Bệnh chồng... bệnh

Người ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện gặp không ít vất vả, phiền muộn. Không chỉ chịu đựng cảnh xếp hàng chờ đợi, quá tải giường bệnh, viện phí cao mà không ít người bệnh trong quá trình điều trị tại cơ sở y tế còn phải gánh thêm những bệnh tật mới, khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém cả kinh tế và thời gian. Đáng báo động hơn, nguyên nhân chính của “gánh nặng” này lại do tình trạng nhiễm khuẩn từ môi trường bệnh viện và quá trình chăm sóc, chữa trị của nhân viên y tế gây ra…
Bệnh chồng... bệnh

Người ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện gặp không ít vất vả, phiền muộn. Không chỉ chịu đựng cảnh xếp hàng chờ đợi, quá tải giường bệnh, viện phí cao mà không ít người bệnh trong quá trình điều trị tại cơ sở y tế còn phải gánh thêm những bệnh tật mới, khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém cả kinh tế và thời gian. Đáng báo động hơn, nguyên nhân chính của “gánh nặng” này lại do tình trạng nhiễm khuẩn từ môi trường bệnh viện và quá trình chăm sóc, chữa trị của nhân viên y tế gây ra…

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh gia tăng tại nhiều cơ sở y tế quá tải bệnh nhân. Ảnh: Q.KHÁNH

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh gia tăng tại nhiều cơ sở y tế quá tải bệnh nhân. Ảnh: Q.KHÁNH

Vào viện rước thêm bệnh!

Thời tiết chuyển mùa, khu khám bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cuối giờ chiều vẫn khá đông bệnh nhân cả người lớn và trẻ nhỏ. Tại phòng khám nhi khoa, 3 bác sĩ và 2 y tá luôn tay vừa hỏi vừa khám cho các bệnh nhi, hết lượt này sang lượt khác. Không nón bảo hộ, cũng chẳng cần khẩu trang hay găng tay y tế, mấy bác sĩ cứ vô tư vành miệng, ngoáy mũi, kéo tai để khám cho hết bệnh nhi này tới bệnh nhi khác mà chẳng buồn để ý tới việc lây nhiễm bệnh tật.

Chị L.T.T. đưa đứa con nhỏ 3 tuổi sốt hầm hập do viêm phế quản đi khám, cho biết không ít lần chị chứng kiến cảnh bác sĩ chỉ dùng một cái gạt lưỡi để khám họng cho 4 - 5 trẻ, sau đó mới chịu thay cái mới. Trong khi đó, tại khoa ngoại của một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhiều phòng điều trị chật kín bệnh nhân, thậm chí có giường bệnh còn phải nằm ghép.

Nhăn nhó vì vết mổ ở đùi sưng tấy, anh Nguyễn Hùng Anh (ở Kim Sơn, Ninh Bình) mệt mỏi cho biết: “Tôi bị tai nạn lao động ngã gãy xương đùi phải mổ để bắt vít. Ca mổ diễn ra khá tốt đẹp, đáng lẽ giờ này tôi đã được ra viện. Thế nhưng, 3 ngày sau ca mổ thì vết mổ của tôi có biểu hiện mưng mủ và sưng tấy nhiều khiến tôi sốt cao liên tục. Bác sĩ bảo vết mổ có biểu hiện bị áp xe do nhiễm trùng… nên bệnh viện giữ lại thêm tuần nữa để theo dõi…”.

Theo tìm hiểu tại một số cơ sở y tế, có không ít người bệnh khi tới bệnh viện chữa trị đã mắc thêm bệnh tật khác, bệnh nhân bị biến chứng, nhiễm trùng sau phẫu thuật do nhiễm khuẩn từ môi trường bệnh viện, hoặc quá trình chăm sóc chưa đảm bảo an toàn của nhân viên y tế. Một chuyên gia y tế cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện thường tập trung tại các khu hồi sức cấp cứu, khoa nhi, nơi tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh nặng, miễn dịch cơ thể suy giảm. Trong khi đó, phía bệnh viện cho rằng, chưa quan tâm tới phòng ngừa lây nhiễm chéo bệnh tật cho người bệnh do bệnh nhân quá đông. “Một buổi khám có tới cả trăm bệnh nhân, cứ khám xong một bệnh nhân lại rửa tay hay thay găng tay thì lấy đâu thời gian để khám bệnh…” - một bác sĩ chia sẻ.

Khó kiểm soát

Mới đây, tại Hội nghị quốc tế khoa học điều dưỡng lần thứ 4 với chủ đề chăm sóc vết thương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã thẳng thắn chỉ rõ, việc chăm sóc vết thương là kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc người bệnh của điều dưỡng, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh, giảm thời gian điều trị, giảm chi phí và sự đau đớn, cũng giảm được vấn đề sử dụng thuốc gây các tác dụng phụ tiềm tàng.

Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ thực trạng chăm sóc vết thương cho người bệnh năm 2012 cho thấy, vẫn còn không ít điều dưỡng chưa tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị. Qua khảo sát tại phòng hồi tỉnh, khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2012, có tới 68,5% số điều dưỡng mắc lỗi khi rửa tay thường quy và 34% số điều dưỡng không nhận định được tình trạng người bệnh.

Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết thêm, trong môi trường không khí của khu vực bệnh viện thường tồn tại vi sinh vật gây  bệnh lao, H5N1, H1N1, viêm gan siêu vi B, C... Do đó, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 8%, khá cao so với nhiều quốc gia khác. Điều này đồng nghĩa với việc nhiễm khuẩn bệnh viện đang gây ra nhiều tác động xấu tới người bệnh, không chỉ thêm bệnh mà thời gian điều trị kéo dài, tăng việc sử dụng thuốc và tốn kém về kinh tế hơn.

Lý giải cho thực trạng đáng báo động này, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, qua điều tra thực trạng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại 522 bệnh viện năm 2012, có gần 40% cơ sở khám chữa bệnh chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bệnh viện chưa đảm bảo được cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. 

Gần 44% số bệnh viện không trang bị bồn rửa tay trong buồng bệnh. Hầu hết dụng cụ hỗ trợ hô hấp dùng lại không được tiệt khuẩn mà chỉ xử lý khử khuẩn mức độ cao bằng hóa chất. Chất lượng công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế của bệnh viện chỉ đạt 70%. Việc tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế còn thấp, chỉ khoảng 60%. Đội ngũ nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện vừa thiếu lại vừa yếu. Hơn 60% cán bộ quản lý kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo chuyên ngành, trong đó ít nhất ở tuyến huyện và tỉnh.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục