Thời tiết giao mùa đang là nỗi khổ của không ít người mắc bệnh xương khớp, nhất là người trung niên và cao tuổi. Theo Hội Cơ xương khớp Việt Nam, với hơn 30% người trên tuổi 35, 60% người trên tuổi 65 mắc chứng bệnh về cơ xương khớp, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh này cao trên thế giới.
Khám bệnh xương khớp tại Bệnh viện Quận 2 TPHCM.
Bệnh… trở trời
Lom khom chờ lãnh thuốc, cụ Hoàng Văn Phú (ngụ Bình Trưng Tây, quận 2 TPHCM) nài nỉ: “Cho tui thuốc gì mà chóng khỏi nghe mấy cô, chứ đến mùa lại trở bệnh, đi đứng vất vả lắm!”. Đã ngoài 70 tuổi, cụ Phú là “khách hàng” quen thuộc của Khoa Xương khớp Bệnh viện Quận 2 TPHCM. Theo bác sĩ điều trị, cụ bị bệnh thoái hóa khớp gối đã điều trị từ gần 3 năm qua nhưng chưa hết. “Đây là bệnh người già thường gặp và hay tái phát mỗi khi giao mùa, nhất là thu-đông”, bác sĩ Nguyễn Hữu Huân - khoa Ngoại, Bệnh viện Quận 2 - cho biết. Theo BS Huân, thông thường bệnh khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp điều trị nội khoa bằng thuốc nhưng không ít trường hợp phải phẫu thuật, thậm chí thay khớp. Ghi nhận tại Bệnh viện Quận 2 cho thấy, trung bình mỗi tuần không dưới 100 bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về khớp, tập trung ở người cao tuổi. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến thành phố, trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về xương khớp gia tăng trong những năm gần đây và có xu hướng trẻ hóa.
Thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, nếu năm 2011 có gần 70.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị cơ xương khớp thì năm 2013 ước tăng trên gần 100.000 lượt bệnh nhân. Còn tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi ngày phòng khám khớp tiếp 300 bệnh nhân. Trong đó phần lớn bệnh nhân đã ngoài tuổi 50 và mắc các bệnh chủ yếu là thoái hóa khớp, viêm khớp, vôi hóa khớp. Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc bệnh viện, thoái hóa khớp có tuổi mắc sớm hơn tuổi loãng xương và cũng là bệnh hàng đầu làm giảm, mất khả năng vận động…
Theo Hội Cơ xương khớp Việt Nam, hiện nước ta có tới 30% người trên tuổi 35, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp. PGS-BS Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng tỷ lệ nói trên đang là hồi chuông báo động cho sức khỏe một bộ phận người dân. “Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc mà sẽ là gánh nặng cho xã hội khi một tỷ lệ không nhỏ sẽ chuyển sang bệnh nặng hơn, tỷ lệ người già ngày càng nhiều hơn”, PGS Lê Anh Thư băn khoăn.
Đừng để quá muộn
Theo ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân Dân 115, khoảng 2/3 bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp phải nhập viện điều trị và thường để lại những di chứng khó hồi phục. “Các bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, tiếp theo là các vấn đề về lưng và cột sống. Ước tính sẽ có khoảng 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa khớp gây nên”, BS Lan nhận định. Bệnh không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình. Theo TS-BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện E, nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về khớp phổ biến là vận động thái quá do hàng ngày sụn khớp phải chịu tác động của nhiều lực nén, lực ma sát khi cơ thể vận động nên dễ bị bào mòn theo thời gian. Ngoài ra, các trường hợp chấn thương tại khớp do tập luyện, tai nạn càng khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng hơn. “Các bệnh béo phì, gút, tiểu đường… cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp”, TS Hoa cho biết.
Theo TS Hoa, thông thường tuổi tác cũng ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh về xương khớp. Khi tuổi cao, quá trình tổng hợp của sụn bị suy giảm do sự lão hóa chung của cơ thể. Các chuyên gia y tế cũng xác nhận, ngoài những chấn thương, tai nạn hay những “di chứng” đặc thù của nghề nghiệp, thoái hóa sụn khớp thường diễn tiến âm thầm theo thời gian ở lứa tuổi sau 40 mà không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, việc điều trị hiện nay tại các cơ sở y tế cũng gặp nhiều thách thức bởi mạng lưới chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh chưa phổ biến và có độ phủ rộng khắp. Do đó, việc điều trị bệnh thoái hóa xương khớp là làm sao cho bệnh nhân không đau khi sinh hoạt hàng ngày. Và lý tưởng nhất là làm thế nào để khớp được phục hồi, đặc biệt lớp mô sụn - thành phần quan trọng của khớp.
Vận động vừa sức
“Bệnh diễn tiến âm thầm nên không ít người chủ quan”, TS Đặng Hồng Hoa cho biết. Theo TS Hoa, bên cạnh điều trị bằng các phương pháp như tăng cường UC-II (hoạt chất nuôi dưỡng sụn khớp, giữ nguyên cấu trúc phân tử và trình diện trước hệ miễn dịch), ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Một số biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo để phòng ngừa là duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì. Tập vận động thường xuyên và vừa sức (luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp). Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng (tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối). Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng và tránh quá sức (khi nâng hay xách đồ nặng, cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu, ở chân là khớp háng, khớp gối). Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế (không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể)… Bên cạnh điều trị y học, người bệnh thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng…
TƯỜNG LÂM