Bệnh nhân có BHYT hưởng lợi

Từ nay đến năm 2020, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành như: tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Bệnh nhân có BHYT hưởng lợi

Điều chỉnh viện phí tính đúng, tính đủ

Từ nay đến năm 2020, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành như: tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Trước mắt, đến năm 2016, giá viện phí sẽ tính thêm lương và phụ cấp. Đây là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại hội thảo cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tổ chức ngày 7-4 tại Ninh Bình.

Bệnh viện sẽ phải đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại hơn và giảm phiền hà khi viện phí tính đúng, tính đủ.

Tăng theo lộ trình

Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ được tính 3/7 yếu tố trực tiếp (gồm các yếu tố 1, 2, 3). Hơn nữa, theo quy định giá của các dịch vụ y tế do Bộ Y tế và UBND các địa phương ban hành không được vượt quá mức tối đa của khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành. Vì vậy, mỗi đơn vị, mỗi địa phương có một bảng giá viện phí khác nhau. Điều này dẫn tới thanh toán BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng khác nhau… gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế cũng đánh giá sau 2 năm điều chỉnh giá viện phí, hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% - 80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại nhiều hiệu quả nhất định, cũng như quyền lợi của người có thẻ BHYT được nâng lên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, tới đây liên bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành khung giá viện phí thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và giá viện phí sẽ tính thêm lương và phụ cấp. Theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ về lộ trình điều chỉnh giá viện phí thì đến năm 2016: tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định) vào viện phí. 

Tác động mạnh đến 30% dân số không có BHYT

Viện phí sẽ tiếp tục tăng ảnh hưởng như thế nào tới người dân? Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh giá viện phí có tác động đến một số nhóm đối tượng. Trong đó, các đối tượng không có thẻ BHYT là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện nay, viện phí thấp nên nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT không tham gia BHYT mà tự bỏ tiền túi ra chi trả khi khám chữa bệnh. Khi giá dịch vụ y tế tăng, bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn. Hơn nữa, khi tăng viện phí, người dân sẽ thấy được lợi ích và tính nhân văn của BHYT là hàng năm một người chỉ phải đóng một mức chi phí nhỏ (khoảng 600.000 đồng) để mua BHYT khi ốm đau sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro. Như vậy, giá dịch vụ y tế tăng chỉ thực sự tác động mạnh đến những người chưa có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước, tương đương 27 triệu người nên những người này muốn giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh thì không còn cách nào khác phải tham gia BHYT. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách với khoảng 23,7 triệu người về cơ bản không bị ảnh hưởng vì họ được nhà nước mua thẻ BHYT và kể từ ngày 1-1-2015, các đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đối với người cận nghèo có BHYT khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh và chỉ phải đồng chi trả 5% so với 20% trước đây. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 40% số người cận nghèo có BHYT nên Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với các bộ ngành chức năng và các địa phương sẽ phải có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm để người trong hộ cận nghèo tham gia BHYT nhiều hơn.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là đòi hỏi thực tế, khách quan. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá viện phí, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Ông Nguyễn Nam Liên (Bộ Y tế) lý giải, nếu không tính đúng, tính đủ viện phí, bệnh viện khó có thể có kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà phải trông chờ vào ngân sách nhà nước.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục