
Dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lan rộng trong cộng đồng, với số người mắc tăng mạnh hàng ngày, việc cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nhận định của Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
Th.S Nguyễn Hồng Hà cho biết:

Th.S Nguyễn Hồng Hà
Cúm A/H1N1 là một dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc, do vậy theo nguyên tắc dịch bệnh lây truyền là phải cách ly người mắc. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện nay của nhiều cơ sở điều trị, nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc cách ly như: bệnh viện có khu cách ly riêng, trong đó mỗi bệnh nhân ở một phòng cách ly - thì quả là quá khó cho các bệnh viện. Do đó, hiện nay việc cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 tại bệnh viện chỉ ở mức độ tương đối, có nghĩa là bệnh viện có một khu cách ly phục vụ điều trị các bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 nhằm hạn chế việc tiếp xúc và lây lan ra cộng đồng…
* PV: Hiện nay, không chỉ có cách ly người bệnh tại bệnh viện mà ở TPHCM và Hà Nội, sau khi xuất hiện một số chùm ca bệnh đã phải tổ chức cách ly ngay tại trường học và công sở. Ông có ý kiến gì về việc này?
* Th.S NGUYỄN HỒNG HÀ: Trong hoàn cảnh hiện nay, với tình hình dịch ở Việt Nam, việc tổ chức cách ly những người có nguy cơ nhiễm cúm và tiếp xúc với người mắc bệnh ngay tại công sở hay trường học là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ nguyên tắc của dịch cúm A/H1N1 là phải chuẩn đoán và xét nghiệm sinh học phân tử mới xác định được có dương tính với cúm A/H1N1. Trong khi đó, khâu xét nghiệm mất khá nhiều thời gian nên giai đoạn đầu buộc phải cách ly “tạm thời” những người nghi nhiễm.
* Tuy nhiên với thực tế dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam đang lây lan ra cộng đồng, có nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 nữa?
* Đây là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Australia, Singapore đang thực hiện vì có số người mắc lớn và dịch đã lan rộng trong cộng đồng. Đối với Việt Nam, dịch cũng đã bắt đầu lan ra cộng đồng nhưng mới chỉ ở mức là nhóm nhỏ, chưa tới mức “đi chơi ngoài phố cũng bị nhiễm cúm” do vậy vẫn cần cách ly, điều trị tại bệnh viện đối với những người đã được xác định là dương tính với cúm A/H1N1 để hạn chế số người mắc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu dịch tiếp tục lan rộng, với số người mắc tăng cao thì việc cách ly tại cơ sở y tế là không cần thiết mà để chuyển sang giám sát tại cộng đồng, cách ly tại nhà và tập trung vào việc điều trị những ca bệnh nặng, nhằm giảm số người tử vong.
* Đối với dịch bệnh cúm A/H1N1 hiện nay, người mắc bệnh có nhất thiết phải tới điều trị tại cơ sở y tế?
* Thực tế cúm A/H1N1 là một bệnh “tự diễn biến và tự loại trừ”, nên đã có những trường hợp mắc bệnh, không cần uống thuốc, không cần tới viện vẫn tự khỏi bệnh do cơ thể sinh ra kháng thể loại trừ được virus ra khỏi cơ thể.
Hơn nữa, cho tới nay, cho dù dịch cúm A/H1N1 lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ ở mức 0,1% nên mọi người cũng không nên quá hoang mang, hoảng sợ trước dịch bệnh này. Ngoài ra, những người chỉ có triệu chứng cúm thông thường, không tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm A/H1N1, thì không nhất thiết phải đến bệnh viện mà có thể tự cách ly, điều trị ở nhà.
* Ông dự đoán đến thời điểm nào thì việc cách ly bệnh nhân sẽ không cần thiết nữa?
* Điều này còn phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của dịch ra cộng đồng ở Việt Nam. Tuy nhiên với mức độ lây lan của dịch hiện nay thì không lâu nữa chúng ta sẽ phải sống chung với dịch và cúm A/H1N1 sẽ trở thành cúm mùa thông thường.
* Xin cảm ơn ông.
KHÁNH NGUYỄN
Chưa nhất thiết phải đóng cửa công sở
* Chưa cần đeo khẩu trang đại trà
(SGGP). - Chiều 30-7, Bộ Y tế thông báo cho biết, trong ngày Việt Nam đã ghi nhận thêm 31 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, nâng số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 cả nước lên 794 trường hợp dương tính, không có tử vong.
Tại Hà Nội, trong ngày tòa nhà Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải cũng đã xuất hiện một nhân viên có các biểu hiện sốt, đau họng hiện được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các nhân viên làm việc tại tòa nhà Vietcombank đã được khuyến cáo dùng khẩu trang và tăng cường các biện pháp phòng cúm. Công tác phun thuốc khử trùng cũng đã được thực hiện tại tất cả các tầng và các cầu thang máy.
Việc liên tiếp xuất hiện người bị nhiễm cúm A/H1N1 tại một số tòa nhà công sở cao tầng ở Hà Nội đã khiến nhiều người tỏ ra lo lắng trước nguy cơ dịch xâm nhập. Đặc biệt ở một vài công sở có bệnh nhân nhiễm cúm, nhiều nhân viên văn phòng đã xin nghỉ việc. Trước tình trạng này, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường nhấn mạnh, Bộ Y tế chưa khuyến cáo yêu cầu đóng cửa và dừng hoạt động các công sở nếu diễn biến dịch chỉ dừng ở mức độ như hiện nay.

Phun thuốc khử trùng tại công sở có người nghi mắc cúm A/H1N1. Ảnh: Tr.Thanh
Tại TPHCM, ngày 30-7, cao ốc Lawrence S.Ting của Công ty Phú Mỹ Hưng (Q7) đã rất nhiều nhân viên đeo khẩu trang ngừa cúm A/H1N1, trong khi chưa có ghi nhận ca mắc cúm nào ở đây. Không những vậy, mọi khách hàng đến cũng được phát khẩu trang và bố trí loại nước rửa tay chuyên dụng. Tại cao ốc Hoàng Anh Gia Lai Safomec Office (quận 10), nhiều công ty thuê văn phòng ở đây đã phát cho mỗi nhân viên 3 - 5 cái khẩu trang và bắt buộc đeo khi vào làm việc.
Tại tòa nhà Gemadept (Lê Thánh Tôn, Q1) cũng rất nhiều nhân viên của các công ty đặt ở đây đeo khẩu trang cả trong lúc làm việc lẫn tiếp xúc. Tất cả các nhân viên bảo vệ của tòa nhà cũng luôn bịt kín miệng bằng khẩu trang y tế.
Bên cạnh đó, một số công sở cũng đã xuất hiện tâm lý lo lắng và yêu cầu cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang ngừa cúm A/H1N1. Theo BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, đeo khẩu trang chuyên dụng đại trà lúc này là chưa cần thiết, nếu cần đeo khẩu trang thường. Hôm qua, BS Phan Công Hùng, Phó khoa y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, cho biết 80% bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 là giới trẻ độ khoảng từ 10-29 tuổi.
Trước tình hình dịch cúm A H1N1 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT cũng đang tìm cách để đối phó hữu hiệu nhất. Ngày 30-7, trao đổi với báo chí, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trường nào chưa chuẩn bị tốt công tác vệ sinh trường học, chưa thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm thì sẽ không được khai giảng, tựu trường.
Ông Bình cho biết thêm, trong một vài ngày tới, bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể về cúm A/H1N1 cho các trường học nghiên cứu, vận dụng. Bộ cũng sẽ phát tờ rơi cho tất cả HS-SV trên cả nước để các em hiểu và chủ động phòng cúm.
Tại TPHCM, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Trong buổi họp với các trường mới đây, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc và khẩn trương các biện pháp, như tăng cường ý thức trách nghiệm về sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chấp hành tốt mọi yêu cầu của cơ quan y tế tại địa phương. Các trường phân công lực lượng phụ trách phòng chống dịch của đơn vị, tập huấn chuyên môn và tạo điều kiện hoạt động thật cơ động, hiệu quả.
Q. LẬP - NH. HÀ - D. DOANH - L. TUỆ