Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm

Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm

Lại thêm một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 vừa tử vong sau một thời gian dịch bệnh này tạm lắng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho ngành y tế và cộng đồng trước sự lơ là phòng chống suốt thời gian qua. Cùng với đó, dịch cúm A/H5N1 khiến một trẻ tử vong trong tháng 3 vừa qua cũng có dấu hiệu quay trở lại. Đáng ngại hơn khi hàng trăm địa điểm buôn bán, giết mổ gia cầm tươi sống vẫn xuất hiện tràn lan.

Cúm A/H1N1 trở lại

Trong những ngày qua, mỗi lần đưa con đến nhà trẻ, chị Hương (ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) lại đeo khẩu trang y tế cho mình và cả đứa con gái 3 tuổi. “Năm 2009, khi dịch cúm bùng phát, tôi mua mấy tá khẩu trang y tế để phòng ngừa. Mấy tháng qua thấy tình hình có vẻ trầm lắng nên chủ quan, nay phải đề phòng lại thôi”, chị Hương nói.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 mà hầu hết vẫn thờ ơ. Ngay cả nhân viên y tế trong các bệnh viện - vốn được yêu cầu đề cao phòng ngừa cúm A/H1N1 - mấy tháng gần đây cũng chẳng mấy khi đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân. Những khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền phòng chống cúm A/H1N1 tại các cơ sở y tế cũng đã bị vứt bỏ.

Và trường hợp cháu L.V.N.Q (6 tuổi), học sinh một trường giáo dục đặc biệt ở quận Bình Thạnh, TPHCM tử vong do cúm A/H1N1 vừa qua khiến người dân lo lắng hơn trước sự chủ quan với dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, trung tâm đã tiến hành các biện pháp y tế cần thiết như phun thuốc khử khuẩn tại nhà riêng, trường học, đồng thời giám sát chặt đối với 31 học sinh học cùng lớp với bé Q.  Tuy nhiên, để tuyên truyền cho cả địa bàn phòng ngừa tốt hơn, theo ông Mừng, cần có kế hoạch cụ thể từ ngành y tế.

Ngoài trường hợp tử vong nói trên, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết trên địa bàn TPHCM đã phát hiện thêm một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Đó là bé P.Q.Y.N (8 tuổi, ngụ phường 5, quận 8). Sau một thời gian điều trị tích cực, đến nay, sức khỏe bé N. đã tạm ổn định.

BS Thọ nhận định virus cúm A/H1N1 vẫn còn trong cộng đồng và chưa thể lường trước khả năng lây lan. Cần nhắc lại rằng vào thời điểm này năm ngoái, khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện ở VN, ngành y tế đã khuyến cáo nhóm đối tượng dễ mắc cúm A/H1N1 là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính.

Học sinh bị cách ly điều trị tại trường do lây nhiễm cúm A/H1N1 năm 2009. Ảnh: Tg. LÂM

Học sinh bị cách ly điều trị tại trường do lây nhiễm cúm A/H1N1 năm 2009. Ảnh: Tg. LÂM

Đến nay, VN đã ghi nhận có 59 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 chủ yếu nằm trong những nhóm đối tượng này.
 
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết đã xuất hiện rải rác một số ca bệnh dương tính với cúm A/H1N1 ở Đồng Nai, Tiền Giang và TPHCM. Đây được xem là dấu hiệu báo động dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát trở lại.

Theo BS Lê Hoàng San, Phó Viện  trưởng Viện Pasteur TPHCM, qua giám sát cộng đồng tại TPHCM những ngày qua cũng cho thấy dịch cúm A/H1N1 đang trở lại. Đã xuất hiện nhiều ca nhiễm cúm trong cộng đồng.
 
Lo lắng với cúm A/H5N1
 
Mặc dù chưa vào mùa cao điểm phát sinh dịch cúm gia cầm (A/H5N1) nhưng thực tế ghi nhận cho thấy đã có dấu hiệu dịch cúm này phát sinh trở lại.

Vào giữa tháng 3-2010 vừa qua, có một trường hợp tử vong do cúm A/H5N1. Đó là bé N.T.K.M. (3 tuổi, ngụ Thuận An, Bình Dương) nhập BV Nhi đồng 2 TPHCM và được xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1. Bệnh nhi M. nhập viện với triệu chứng sốt cao 5 ngày liên tục, thỉnh thoảng ho, được nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nhưng xét nghiệm không phải, chụp hình cho thấy viêm phổi, suy hô hấp.

Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm PCR (sinh học phân tử) cho kết quả bé M. dương tính với virus cúm A/H5N1. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện xung quanh gia đình cháu bé sinh sống có nhiều người buôn bán gà sống.

Trước đó, vào tháng 2-2010, một trường hợp khác cũng tử vong do cúm A/H5N1 tại Tiền Giang. Đó là nữ bệnh nhân 38 tuổi, thường trú tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, được chẩn đoán viêm phổi nặng dẫn đến tử vong. Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử giết mổ và chế biến thủy cầm.
 
Mặc dù dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng hiện nay trên địa bàn TPHCM, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.

Trên đường Chánh Hưng, quận 8, mỗi buổi chiều có hàng chục người đem gà, vịt sống ra chèo kéo khách tận lề đường. Dọc đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), nhất là khu vực dưới chân cầu Ông Lớn có rất nhiều tụ điểm bán buôn gà vịt sống các loại và giết mổ tại chỗ.

Ngoài ra, hàng loạt điểm buôn bán, giết mổ gia cầm khác đang tồn tại ở quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn... Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khuyến cáo dịch cúm gia cầm vẫn luôn tiềm ẩn và có nguy cơ tái bùng phát rất cao vào mùa đông tới nếu không có sự phòng ngừa tốt.

Theo Phòng Y tế cộng đồng của Viện Pasteur TPHCM, qua khảo sát tại các tỉnh phía Nam cho thấy tình trạng nuôi nhốt, giết mổ gia cầm tự do phổ biến trở lại và các địa phương vẫn chưa quán triệt hết công tác phòng ngừa.

Viện Pasteur TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các tỉnh, thành phía Nam tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp phòng chống dịch cúm A/ H5N1.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, để giảm nguy cơ tử vong do cúm A/H1N1, những người bị sốt kéo dài, ho khó thở, có triệu chứng viêm phổi, đặc biệt ở những nhóm người có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em, người già cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện kịp thời.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục