Bệnh quản lý… hình thức

Những ngày gần đây, người dân Bạc Liêu xôn xao vụ Tăng Thị Ba, thủ quỹ Bưu điện tỉnh Bạc Liêu trong suốt 3 năm, từ năm 2003 đến cuối năm 2006, ung dung “ôm” cả núi tiền, hết lần này đến lần khác, nhưng không bị phát hiện. Với 8 lần thực hiện hành vi phạm tội, Tăng Thị Ba đã tham ô hơn 15,3 tỷ đồng. Đến khi cơ quan chức năng kê biên, chỉ thu được vài trăm triệu đồng.

Theo tôi được biết, tại cơ quan điều tra, Tăng Thị Ba đã “chỉ ra” sự sơ hở, sai sót của kế toán thanh toán, kế toán trưởng, giám đốc và bộ phận kiểm toán trong quá trình quản lý và kiểm tra hoạt động thu chi tài chính, tạo “cơ hội” cho Ba phạm tội.

Thủ đoạn của Ba là: khi thấy lượng tiền mặt tồn trên sổ sách kế toán nhiều, Tăng Thị Ba (sau khi lấy cắp tiền mặt tại quỹ) đã làm báo cáo việc đem tiền mặt gửi ngân hàng và yêu cầu kế toán thanh toán ra phiếu chi với số tiền do Ba tự quyết định, để hợp thức hóa khoản tiền đã chiếm đoạt. Khi có phiếu chi, Tăng Thị Ba đem gửi ngân hàng với số tiền thấp hơn số tiền ghi trong phiếu. Để che dấu khoản chênh lệch giữa chứng từ chi (giấy nộp tiền vào ngân hàng) với phiếu chi, Tăng Thị Ba đã cất giữ toàn bộ số chứng từ này, không giao lại cho kế toán thanh toán để làm thủ tục quyết toán.

Về phần mình, kế toán thanh toán Trần Thị Tuấn do tin tưởng Ba nên đã làm sai nguyên tắc kế toán, không trực tiếp kiểm tra chứng từ chi tiền gửi ngân hàng, không trực tiếp đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng, đã để cho Ba làm những việc không thuộc nhiệm vụ của thủ quỹ. Còn Nguyễn Tứ Dũng, là kế toán trưởng, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ việc thu chi tài chính của đơn vị, nhưng đã không kiểm tra chặt chẽ và khi trực tiếp ký duyệt các chứng từ thu chi, đã không kiểm tra, đối chiếu giữa số liệu thu chi tài chính trên hệ thống sổ sách kế toán với số liệu thu chi tài chính thể hiện trên chứng từ thu chi.

Chưa hết, từ Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu đến các trưởng phòng kiểm toán nội bộ Huỳnh Ngọc Lợi và Lê Quang Trung, do tin tưởng cấp dưới, đều không kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ các hoạt động thu chi tài chính của đơn vị, nên khi ký duyệt các chứng từ đã không trực tiếp đối chiếu, kiểm tra số liệu. Từ đó đã tạo ra kẽ hở trong quản lý để Tăng Thị Ba nắm được, “phát huy” việc đục khoét tiền nhà nước với số lượng lớn trong một thời gian dài.

TAND tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Theo tôi, đây là bài học đau xót trong công tác quản lý tài chính. Cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm trong việc này vì đã không làm tròn trách nhiệm cá nhân, làm thất thoát tiền tỷ của Nhà nước. Bài học này cần được các doanh nghiệp, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Quỳnh Như
(Bạc Liêu)

Tin cùng chuyên mục