Trước tiên, khẳng định rằng bệnh sởi năm 2014 không có gì mới so với bệnh sởi của các năm về trước. Tuy nhiên, cuối năm 2013 và đầu năm 2014, bệnh sởi bùng phát các ca bệnh và đang có nguy cơ thành dịch tại một số tỉnh, thành của Việt Nam.
Tác nhân gây bệnh và triệu chứng
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus cấp tính gây ra và dễ bùng phát thành dịch, có thể gặp ở trẻ em và người lớn, nhưng độ tuổi thường gặp nhất là nhóm trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường hô hấp nên khả năng lây lan rất nhanh theo diện rộng.
– Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 1 - 2 tuần. Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, bệnh nhân có những triệu chứng thường gặp sau đây: Sốt cao 39 - 400C, kèm mệt mỏi, đau họng, đau cơ, đau khớp; ho khan, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ. Ngoài ra, có thể gặp những chấm trắng nhỏ ở niêm mạc má bên trong miệng (đốm Koplik).
– Giai đoạn phát ban (khoảng 3 ngày): Ban sởi rất đặc trưng là ban dạng sẩn (nổi gồ lên mặt da). Ban xuất hiện theo trình tự lúc đầu nổi ở sau tai, lan ra mặt, rồi xuống ngực, bụng, tay chân và lan toàn thân.
– Giai đoạn sau phát ban (khoảng 7 ngày): Thông thường ban sởi lặn theo trình tự như lúc xuất hiện, để lại những vết thâm trên mặt da rất đặc trưng, thường gọi là “vằn da hổ”.
Những biến chứng thường gặp
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra.
– Viêm tai giữa cấp: Thường gặp nhất.
– Viêm phổi nặng: Gặp ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến tử vong.
– Viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp: Biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao.
– Tiêu chảy và ói mửa: Thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
– Mờ hoặc loét giác mạc: Có thể gây mù lòa (do thiếu vitamin A).
– Viêm cơ tim: Có thể dẫn đến tử vong.
– Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…
Phòng ngừa
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi chủ động. Trẻ em cần tiêm đủ 2 mũi (lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi). Người lớn cần tiêm chủng với nhóm người có nguy cơ lây bệnh cao (chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm chủng trước đó, sống trong vùng có dịch sởi, người có miễn dịch yếu như người già, có bệnh mạn tính…). Mũi 1: bất cứ lúc nào cần tiêm chủng. Mũi 2: sau mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Tại TPHCM, tiêm chủng vaccine bệnh sởi tại:
– Viện Pasteur, 167 Pasteur, quận 3.
– Trung tâm Y tế dự phòng TP, 699 Trần Hưng Đạo, quận 5.
– Trung tâm y tế dự phòng các quận - huyện.
– Trạm y tế phường - xã.
BS CK1 NGUYỄN LÊ THỤC ĐOAN
(Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TPHCM)