Bệnh viện “3 không”

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông được xây dựng với quy mô 300 giường bệnh, đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng đến nay nhiều phương tiện cần thiết để cấp cứu bệnh nhân như: Hệ thống thang máy, máy tạo ô xy, phần mềm quản lý… không hoạt động được.
Bệnh viện “3 không”

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông được xây dựng với quy mô 300 giường bệnh, đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng đến nay nhiều phương tiện cần thiết để cấp cứu bệnh nhân như: Hệ thống thang máy, máy tạo ô xy, phần mềm quản lý… không hoạt động được.

Máy móc tiền tỷ bỏ không…

Bệnh viện Đắk Nông có 5 thang máy (được lắp đặt với kinh phí hơn 6 tỷ đồng) đặt tại các vị trí quan trọng để cấp cứu, vận chuyển những bệnh nhân phải đi lại bằng cáng và xe lăn. Sau khi đưa vào hoạt động được 6 tháng, cả 5 thang máy đặt tại các khoa như: Phẫu thuật gây mê, Xét nghiệm, Nội… lần lượt bị hỏng. Vì thế, việc vận chuyển bệnh nhân nặng lên xuống phải đi cầu thang do y tá, hộ lý, người nhà… cõng hoặc dìu dắt.

Ngoài hệ thống thang máy, hệ thống tạo ô xy (kinh phí lắp đặt hơn 8 tỷ đồng) và phần mềm quản lý bệnh viện (kinh phí phê duyệt hơn 5,4 tỷ đồng) hiện cũng không thể hoạt động. Theo bà Ngô Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, hệ thống cô đặc ô xy từ khí trời đã dừng hoạt động từ tháng 10-2013 do nguyên liệu là hạt Zeolite hết hạn sử dụng. Và hiện không có ai trong bệnh viện vận hành được hệ thống này. “Không có hệ thống tạo ô xy, bệnh viện phải đấu nối nhiều bình ô xy hóa lỏng vào hệ thống cung cấp ô xy cho bệnh nhân. Cách làm này tốn kém và lại dễ gây cháy nổ trong bệnh viện”, bà Hồng cho hay.

Riêng phần mềm quản lý bệnh viện, giám đốc cũ (ông Nguyễn Mạnh Cường - PV) đã nghiệm thu và trả 5 tỷ đồng cho đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thịnh Quang (ở Đắk Nông) ngay khi phần mềm này chưa đưa vào hoạt động. “Công ty này chỉ là đơn vị cung cấp thiết bị văn phòng chứ không hề viết phần mềm quản lý gì cả. Nhưng không hiểu sao anh Cường (tức ông Nguyễn Mạnh Cường) lại hợp đồng cung cấp phần mềm với họ. Bệnh viện cũng đã cho người đi đòi số tiền 5 tỷ đồng nhưng họ không chịu trả”, ông Ngô Minh Trực cho biết.

Nhiều thiết bị y tế tiền tỷ được trang bị từ nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc phải bỏ phí trong kho do không sử dụng.

Ngoài ra, nhiều trang thiết bị y tế được đầu tư cho Bệnh viện Đắk Nông (từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc với tổng trị giá hơn 5,6 triệu USD), gồm 871 chủng loại máy móc chỉ đạt công suất sử dụng khoảng 61%. Riêng 341 thiết bị không sử dụng được hoặc chưa sử dụng phải bỏ lưu kho. Ngoài 30 trang thiết bị đang để “nguyên đai, nguyên kiện” trong kho, hiện có 61 trang thiết bị (trị giá gần 3 tỷ đồng) đã hư hỏng không thể sử dụng và 81 nhóm trang thiết bị thường xuyên hư hỏng. “Có những trang thiết bị từ khi mua sắm, đưa về bệnh viện đến nay chưa hề sử dụng lần nào vì không đáp ứng đúng nhu cầu công việc thực tiễn. Trong lúc đó, nhiều thiết bị đưa về các khoa trong bệnh viện nhưng không được hướng dẫn sử dụng nên không biết chức năng của máy. Vì thế các khoa trả lại cất vào kho”, một trưởng khoa bệnh viện thông tin.

Xử lý sau?

Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện nhiều sai phạm bằng tiền hơn 3 tỷ đồng tại bệnh viện này. Để xảy ra những sai phạm nói trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Mạnh Cường (giám đốc bệnh viện giai đoạn 2004 - 2011) và Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng CIDECO. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Nga (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện này) cũng liên đới khi không tham mưu giữ lại 5% giá trị chờ phê duyệt quyết toán, dẫn đến việc thu hồi một số khoản sai phạm gặp khó khăn.

Khi chúng tôi đề cập tại sao để xảy ra những sai phạm như trên nhưng lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông không phải chịu trách nhiệm gì? Ông Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, cho rằng: “UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ đầu tư cho giám đốc bệnh viện tỉnh, vì thế theo Luật Đầu tư thì sở không có quyền can thiệp đến những vấn đề của bệnh viện”. Cũng theo ông Trực, hiện ông Cường đã xin nghỉ hưu sớm vì bệnh tật, còn ông Nga đã bị kỷ luật và được điều sang làm kế toán tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 24-3, Hội đồng giám định sức khỏe của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã tiến hành giám định sức khỏe của ông Nguyễn Mạnh Cường. Ngày 20-5, ông Ngô Minh Trực, cho biết: “Hội đồng giám định sức khỏe kết luận tình trạng sức khỏe hiện nay của ông Nguyễn Mạnh Cường không tốt và thường xuyên phải đi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM”. Trong khi đó, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho hay: Tình trạng sức khỏe ông Cường hiện không tốt, vì thế UBND tỉnh đang xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy để có hình thức xử lý phù hợp. Còn những sai phạm xảy ra tại bệnh viện tỉnh trong thời gian ông Cường làm giám đốc sẽ được tỉnh xử lý sau.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục