“Bệnh” với các dự án giảm tải bệnh viện

Dự án “xà quần”
“Bệnh” với các dự án giảm tải bệnh viện

Trong khi Bộ Y tế và UBND TPHCM hối thúc thực hiện các giải pháp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên thì từ năm 2012, nhiều dự án xây mới, nâng cấp cải tạo bệnh viện chuyển về cho Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình (thuộc Sở Y tế TPHCM) làm chủ đầu tư gần như giậm chân tại chỗ. Có dự án “xà quần” thay đổi mức đầu tư, quy mô; có dự án không gỡ được đền bù giải tỏa và có dự án trọng điểm khởi công “hụt”.

Dự án “xà quần”

Nằm hoang tàn tại mặt tiền 47 Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh, dự án xây dựng mới “Khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao” của Bệnh viện (BV) Ung bướu là một nhà kho tồi tàn với bừa bộn xà bần, bàn ghế cũ phơi nắng mưa, cỏ cây um tùm. Từ nhiều năm nay, khu đất “vàng” này bị bỏ hoang vì quy trình đầu tư thay đổi giữa chừng.

Theo ông Võ Duy Thức, Phó phòng Hành chính quản trị BV Ung bướu, dự án đã được BV lập từ những năm 2006-2007 với tên gọi ban đầu “Khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư” với quy mô 2 tầng hầm và 7 tầng lầu, tổng mức đầu tư dự kiến 74 tỷ đồng. “BV đã thuê đơn vị thiết kế, hoàn thành các thủ tục cần thiết để xin ghi vốn và mời gọi đấu thầu, thi công”, ông Thức nói.

Tuy nhiên, qua năm 2012, UBND TPHCM yêu cầu BV Ung bướu dừng thực hiện dự án và bàn giao hồ sơ về Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình trực thuộc Sở Y tế làm chủ đầu tư. Ngày 25-4-2012, UBND TPHCM chỉ đạo hủy dự án “Xây dựng mới khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư của BV Ung bướu” để lập lại dự án mới với tên gọi “Đầu tư xây dựng mới khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của BV Ung bướu”. Như vậy công sức, tiền bạc mà BV Ung bướu bỏ ra, thuê đơn vị tư vấn trở nên lãng phí vì dự án phải làm lại từ đầu.

Điều đáng nói, theo ông Thức, khi dự án chuyển về cho Sở Y tế thì thay đổi quy mô lên 10 tầng cao với tổng mức đầu tư dự kiến trên 338 tỷ đồng (tăng gấp gần 5 lần dự án ban đầu)… “Nghe đâu bây giờ chủ đầu tư đang muốn quay lại thiết kế ban đầu để rút ngắn thời gian thực hiện”, ông Thức cho biết. Trong khi đó, dự án BV Ung bướu (cơ sở 2) được giao gần 5,5ha đất với quy mô 1.000 giường bệnh ở quận 9 đã được ghi vốn lên tới 1.964 tỷ đồng từ mấy năm nay, hiện giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình làm chủ đầu tư nhưng cũng đang vướng mắc đền bù giải tỏa. Vậy là kế hoạch giảm tải cho BV Ung bướu, nơi khám điều trị lên tới gần 2.000 bệnh nhân/ngày còn xa vời.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện còn hàng loạt dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo BV nhằm giảm tải bệnh nhân cũng do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình làm chủ đầu tư, như dự án nâng cấp BV đa khoa khu vực Thủ Đức (giai đoạn 1), dự án cải tạo mở rộng BV đa khoa khu vực huyện Hóc Môn (giai đoạn 1), nâng cấp mở rộng BV Tai Mũi Họng thành phố… hiện vẫn chưa có dự án nào “khả quan” để khởi công một sớm, một chiều.

Khởi công... hụt

Với quy mô 1.000 giường bệnh và tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, BV Nhi đồng TPHCM tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh được UBND TPHCM chỉ đạo khởi động từ năm 2010 và dự kiến động thổ khởi công san lấp mặt bằng vào dịp 30-4 vừa qua. Thế nhưng, theo nguồn tin riêng của Báo SGGP, lễ khởi công phải dừng lại đột ngột do không đúng quy trình mời thầu, xét chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ thầu. Thông tin với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết, vụ việc đã được thanh tra và báo cáo lên Ban Giám đốc Sở Y tế. Tuy nhiên, đến nay mức độ vi phạm thế nào, xử lý ra sao chưa được lãnh đạo Sở Y tế công khai.

Vấn đề đặt ra là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình đã thực sự đảm đương được cùng lúc nhiều dự án hay không? Năm 2012, UBND TPHCM đã 2 đợt giao kế hoạch đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM lên tới 38 dự án. Trong đó nhiều dự án đã “cù cưa” qua nhiều năm, mặc dù vốn đã được giao hoặc được ghi.

Nhiều ý kiến cho rằng việc “tái lập” Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình trực thuộc Sở Y tế là một bước lẩn quẩn vì trước 2006 đã từng thành lập nhưng sau đó phải giải thể. Năm 2012, Ban Quản lý này tái lập do ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban và ông Đặng Quang Mỹ làm Phó ban. Thực tế, nhiều dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo do các BV làm chủ đầu tư đang vận hành bình thường nhưng do phải chuyển giao về Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình Sở Y tế nên bị gián đoạn. Đáng nói hơn, “sự chuyển giao” đó đã phần nào gây lãng phí về công sức và cả tăng thêm mức đầu tư so với dự tính ban đầu.

Để nắm bắt thêm thông tin về tiến độ các dự án xây mới, nâng cấp cải tạo BV, sáng qua 23-5, phóng viên đã liên lạc với ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình và được cho biết: “Hiện bộ phận kế hoạch tổng hợp đang tổng hợp báo cáo thành phố. Cuối tuần mới có vì chưa làm xong”.

  • Phó phòng HCQT BV Ung bướu TPHCM Võ Duy Thức

"Nếu để BV tiếp tục làm chủ đầu tư thì có lẽ đã khởi công xây dựng rồi chứ đâu như bây giờ trượt giá đầu tư lên gấp gần 5 lần mà vẫn chưa biết lúc nào khởi công được"

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục