20 năm chưa có dịp trở lại nước Nga. Và ngần đấy thời gian cũng là quá đủ để trong tôi bùng cháy cảm xúc về một đất nước vĩ đại cả về diện tích, chiều sâu văn hóa, tầm trí tuệ lẫn những nghịch lý mà người dân một nước nhỏ bé như chúng ta rất khó hình dung. Với tôi, thật sự mà nói nước Nga có gì đó mơ hồ, khó nắm bắt như thể ta đang cầm trên tay con búp bê Matrioska và cứ tần ngần mở ngắm từng con bên trong, hết con này tới con khác, tưởng đã hết mà không bao giờ hết. Vì vẫn còn nữa những con nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa, nhỏ đến vô cùng.
1. 12 giờ đêm xuống đến sân bay thành phố Irkutsk. Sau chuyến bay dài cả ngày trời từ Hà Nội, quá cảnh Bắc Kinh, rồi chuyển tiếp máy bay của hãng hãng không Hải Nam Trung Quốc, tôi cũng thấm mệt. Mệt nhưng háo hức vì cuối cùng mình đã đặt chân đến điểm tiếp giáp giữa Siberia và vùng Viễn Đông của LB Nga. Trời khá lạnh, khoảng trên 10 độ, cộng với chút ánh sáng vàng vọt của hệ thống chiếu sáng sân bay khiến tôi khẽ rùng mình.
Cảm giác đầu tiên là nước Nga vẫn vậy, vẫn như nhiều năm trước với khu nhà làm thủ tục nhập cảnh cũ kỹ lắp ghép từ những khối bê tông xám xịt, bên trong là cánh cửa ra vào bằng gỗ sồi cứ kêu rít mỗi khi có người đóng mở. Sự khắc khổ từ những năm dài của nền kinh tế kế hoạch mà ta thường gọi là thời bao cấp hiển hiện rõ khi đến tờ khai hải quan người ta cũng “cấp phát” đến từng người, không có chuyện để từng xấp tùy nghi khai báo như ở các sân bay quốc tế khác.
Có lẽ vì Irkutsk là sân bay tỉnh lẻ, ngoài mấy chuyến bay quốc tế đến Bangkok, Ulan Bator và Bắc Kinh thì chủ yếu dành cho các tuyến bay nội địa. Bởi vậy, các dịch vụ, tiện nghi dành cho khách lữ hành theo như chuẩn sân bay quốc tế gần như là con số không tròn trĩnh: không duty free, không quầy bán đồ lưu niệm, không điểm đổi ngoại tệ, không quán ăn nhanh… và dĩ nhiên không kèm nụ cười thân thiện từ phía các nhân viên phục vụ mặt đất.
Một “đặc sản” nữa của thời xa xưa - là xếp hàng cả ngày - cứ nhẫn nại xếp hàng để chờ đợi đến lượt mình - xếp hàng không biết để làm gì - cứ phảng phất trong không khí đặc quánh hơi người của phòng chờ nhỏ hẹp. Và biết làm sao khi mà thời gian là thứ thừa thãi nhất ở nước Nga? Nghĩ vậy, lại nghĩ nữa về thời gian với 3 thì thời gian trong tiếng Nga (quá khứ, hiện tại và tương lai), rốt cuộc sau 20 phút rồng rắn xếp hàng, tôi cũng lần mò đến được ô cửa kiểm soát an ninh.
Ở đó, anh nhân viên cứ xoay tròn tấm hộ chiếu, ngó ngang ngó dọc xem có “đúng người, đúng tội” không, rồi loay hoay đọc gì đó trên màn hình vi tính, và mất tới 10 phút mới gõ cộp con dấu nhập cảnh. Có lẽ tay nhân viên an ninh mẫn cán này ngạc nhiên không biết tôi và bạn tôi, hai thằng cha người Việt duy nhất trên chuyến bay với đa phần hành khách là người Trung Quốc đến làm gì ở hồ Baikal?
Nhưng cuộc phiên lưu chưa dừng lại, đến khâu kiểm tra hải quan mới thấy… hình như mình là tội phạm hình sự thật sự: trong sự trông chừng của 2 chú chó bẹc-giê to đùng, một cô nhân viên có vẻ mặt lạnh tanh nói cộc lốc bằng tiếng Nga “để vali lên bàn mở cho tôi xem có gì bên trong”. Đồ đạc tôi mang theo chỉ có vài bộ đồ và 2 cây thuốc lá nhưng cũng bị vặn vẹo sao mang nhiều thế, định bán ở chợ đen sao? Đôi co một lúc rồi tôi cũng được thả ra ngoài, nói như các dòng tin thông tấn là không có tổn thất về người và thuốc lá.
Lúc đó đã gần 2 giờ sáng. Sân ga Irkutsk vắng lặng. Thi thoảng có vài chiếc taxi ập đến hỏi về đâu. Họ ra giá 400 rúp. Tôi nhất quyết chỉ trả nửa số tiền đó đúng như lời dặn dò của một người bạn Nga đã đặt chỗ trước cho chúng tôi trong khách sạn có tên dịch ra tiếng Việt là “Người Nga”. Nhưng đáp lại chỉ là câu nói “hâm à, giờ này mà mày trả có 250 rúp sao?” - mấy bác tài hất hàm phóng thẳng đi và không quên gửi kèm mấy câu chửi tục.
Quá mệt với màn trả giá cho taxi “dù”, cuối cùng tôi cũng leo lên một con xe Nissan tay lái nghịch của một bác tài có vẻ mặt chất phác. Giá tiền là 500 rúp, không hơn không bớt, quy đổi ra khoảng gần 20 USD. Thôi đành vậy, nhập gia thì phải tùy tục, chỉ tôi cứ dằn vặt sao ngu thế, 400 rúp không đi mà lại chọn xe 500 rúp. Bù lại, bác tài tỏ ra vui tính kể lể bác phải kiếm ăn thêm bằng cách chở khách ban đêm ở nhà ga và giá thế cũng hợp lý vì “tôi phải trả mỗi tháng 1.500 rúp cho quyền được vào sân bay. Trả tiền tươi cho bảo vệ sân bay đấy” - bác nói hàm nghĩa “làm luật” - một kiểu bảo kê thường thấy ở nước Nga (và cả ở chúng ta).
Chiếc xe bon nhanh trên những con đường không một bóng người và để tạo sự thân mật tôi hỏi cuộc sống ra sao ở đây, bác tài nhún vai: “Ồ, camu cac - mỗi người mỗi kiểu. Riêng tôi thì thấy khó khăn hơn thời Xô Viết. Thời đấy tôi lái taxi được trả lương tháng 180 rúp, số tiền đủ sống cho cả gia đình. Còn giờ cái gì cũng đắt đỏ, vật giá leo thang ầm ầm. Cả xăng ở đây dù có nhà máy lọc dầu sát bên vẫn mắc hơn ở thủ đô Moskva. Không hiểu sao vậy”. Và như lời tâm sự của bác lái xe - một người từng trải qua nhiều cuộc cách mạng - những người cao tuổi có lẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trước mỗi biến động dù là nhỏ nhất của lịch sử.
2. Gọi là khách sạn cho có vẻ hoành tráng, chứ thực ra nơi tôi ngủ đêm chỉ là một ký túc xá sinh viên không hơn không kém. Phòng bé xíu với tiện nghi ở mức tối thiểu gồm 2 giường ngủ, một cái tủ nhỏ để mấy thứ vặt vãnh và phòng tắm vòi sen có nước nóng. Chỉ có giá cả là cao ngất ngưởng, ngang tầm khách sạn 5 sao ở ta - giá 1 đêm tới 3.800 rúp, hơn 100 USD! Thế mà cô lễ tân còn mỉm cười nói giá phòng như vậy còn là rẻ chán nếu đem so sánh với những thành phố lớn như Moskva hay Saint Peterburg. Thế mới biết tiền không là gì ở một đất nước mà người ta chỉ cần khoan sâu dưới lòng đất vài chục mét là đã có “vàng đen” tuôn chảy.
Ôi thời gian! thời gian trôi qua, thời gian thay đổi, thời gian để lại những dấu ấn khó phai nhòa. Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, trong khoảng 10 năm sau khi Liên Xô tan rã, người dân Nga đã phải sống qua thời điểm cay đắng nhất khi mà những bất ổn chính trị khiến họ hoàn toàn mất phương hướng trong cuộc mưu sinh. Con số thống kê cho thấy năm 1992, tỷ lệ tử vong ở nước Nga vượt quá tỷ lệ sinh đẻ, tuổi thọ người dân giảm sút sánh ngang với các nước chậm phát triển nhất. Thậm chí vào năm 1999, GDP của nước Nga còn chưa bằng mức năm 1989. Nhưng giờ đã khác. Người ta nói với tôi rằng “mọi thứ đã tốt hơn nhiều”.
Ngay tại nơi khỉ ho cò gáy như Irkutsk, người dân bình thường cũng ăn mặc chải chuốt với đủ loại hàng hiệu và thơm lừng mùi nước hoa Chanel số 5 cổ điển. Các cửa hiệu thì chật ních hàng hóa. Bởi đa phần là hàng nhập khẩu nên giá khá “chát”: Một kí lô đào, hay hồng bán với giá khoảng 7 USD, còn một đôi giày mùa đông loại tốt bạn không thể kiếm được với giá dưới 120 USD.
Riêng về khoản đồ uống thì khỏi nói: nước Nga bao giờ cũng là siêu cường số một. Ở các cửa hàng từ lớn đến bé, từ kiốt, tiệm tạp hóa đến siêu thị, người ta bày bán số chủng loại bia nhiều đến mức có nằm mơ cũng không thấy ở đâu trên thế giới. Thôi thì đủ loại chất liệu chai, đủ giá cả, đắt có, rẻ có, dường như người ta không muốn ai phải mất phần trong tiệc nhậu tưng bừng của mùa thu nước Nga. Rượu vang cũng thừa mứa như vậy. Còn loại rượu vodka quốc hồn, quốc túy thì miễn bàn khi chỉ tại một quầy bán rượu siêu thị, tôi đếm cả thảy có 50 loại, mà tột đỉnh là loại có những miếng vàng lá nhỏ xíu lượn lờ trong thứ nước trong vắt như giọt nước mắt.
Quả thật là nước Nga đã đoạn tuyệt với những ngày khốn khó khi mà hàng Trung Quốc giá rẻ với chất lượng mà người Nga nói rằng là “quần áo sử dụng một lần” hay “giày đi trong một tuần” còn tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm. Giờ là thời của hàng hóa chất lượng cao và giá cao. Đi ăn một bữa tối ở nhà hàng phải trả 150 USD là chuyện nhỏ “như con thỏ” ở nước Nga hiện tại. Đó là còn chưa nói tới giá thuê một mét vuông nhà ở khu trung tâm Moskva có khi tới trên 10.000 USD/tháng.
Và đúng như tựa phim “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” - một bộ phim diễm tình của Liên Xô trước đây từng đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất - người Nga không khóc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ không tin vào những giọt nước mắt và có lẽ chỉ có sức nặng của đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, bằng sức lao động chân chính… mới khiến họ nhỏ lệ.
Bích An