Bí đỏ đến mùa thu hoạch bỗng dưng rớt giá thê thảm, nông dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) phải bán rẻ như cho hoặc bỏ bí thối trên đồng…
Từ lâu, vùng đất Chư Pưh rất thích hợp với việc trồng bí đỏ vì cho năng suất bình quân đạt 20-30 tấn/ha, nơi cao nhất 40 tấn/ha. Những năm qua, bí đỏ có giá thu mua từ 3.000 - 4.500 đồng/kg. Năm nay, toàn huyện Chư Pưh có hơn 400ha trồng bí đỏ, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Ia Phang và Ia Le; tuy nhiên, đến vụ thu hoạch này, bí đỏ lại rớt giá thảm hại, chỉ còn 400 - 1.000 đồng/kg, thậm chí có lúc không ai mua nên người trồng khốn khổ.
Một xe chứa 2 tấn bí đỏ chỉ bán được 1 triệu đồng
Chị Siu Ther (40 tuổi, ở làng Tao, xã Ia Phang) cho biết, gia đình chạy đôn chạy đáo mới tìm được thương lái để “bán tháo bán đổ” 2 tấn bí với giá chỉ có 1 triệu đồng. Còn lại 8 tấn bí đỏ vẫn nằm phơi nắng trên rẫy. Tương tự, anh Rơ Mah San (37 tuổi, làng Cư Bố 2) cũng “đau đầu” trong việc tìm đầu ra cho hàng chục tấn bí. “Thương lái không mua theo ký mà mua áng chừng theo xe. Mỗi xe máy cày (chứa khoảng 2 tấn bí) chở đến, họ nhìn qua rồi ra giá 1 triệu đồng. Biết rẻ như cho nhưng cũng phải bán. Đến giờ tôi bán được 3 xe bí, còn lại 10 tấn chưa bán được”, anh San buồn rầu kể.
Không chỉ nông dân nản lòng mà thương lái cũng khổ sở không kém. Bà Nguyễn Thị Thu (chủ cơ sở thu mua ở xã Ia Phang) cho biết, cơ sở bà mỗi ngày mua khoảng 20 tấn bí đỏ. Sau đó phân loại và bán đi các tỉnh với giá chỉ từ 200 - 1.400 đồng/kg (tùy chất lượng). “Hiện trong kho của tôi vẫn còn tồn hàng chục tấn bí chưa tìm được nơi tiêu thụ. Cách đây khoảng một tháng, hơn 4 tấn bí tôi thu mua của dân cũng phải để đến thối, lỗ hơn 10 triệu đồng”, bà Thu tâm sự.
Theo ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang, nếu bí đỏ có giá 1.500 đồng/kg thì cũng chỉ đủ công thu hoạch, vận chuyển; còn muốn có lời phải bán được giá 2.000 đồng/kg. “Với giá thu mua như hiện nay thì dân trồng bí thua lỗ thấy rõ. Ngoài mất giá, bí đỏ năm nay còn mất mùa do nắng hạn. So với năm ngoái, sản lượng bí đỏ đã giảm 1/3”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Ngọc Tuấn, chuyên viên phụ trách nông nghiệp, UBND huyện Chư Pưh, giá bí năm nay thấp nhất trong các năm qua khiến nhiều hộ không dám thu hoạch, phải bỏ bí thối trên đồng. Để giúp dân ổn định sản xuất, huyện đã có kế hoạch triển khai phát triển vùng trồng rau sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đồng thời hướng tới giải pháp thành lập các hợp tác xã bí xanh, bí đỏ, cũng như quy hoạch vùng diện tích trồng bí. Trên cơ sở đó, huyện sẽ liên hệ với các công ty, siêu thị để tiêu phụ sản phẩm giúp dân.
Hữu Phúc