1. Chị P.T.A. có dấu hiệu sinh khó, bác sĩ thì chẳng có biện pháp gì hơn ngoài việc lâu lâu ghé một lần rồi lẳng lặng bỏ đi. Thấy không yên tâm, gia đình chi P.T.A. xin chuyển viện nhưng bác sĩ bảo bình thường, đừng có lo quá, cứ cho sản phụ nằm lại để theo dõi. Đến khi phát hiện tim thai không còn thì bệnh viện T.A. mới cho gia đình chuyển lên bênh viện tỉnh để cấp cứu.
Tuy nhiên, thay vì cho xe cứu thương hoặc tư vấn cho gia đình thuê taxi và cho nhân viên y tế đi cùng để chuyển chị A. lên bệnh viện tỉnh thì bệnh viện huyện lại để chồng chị A chở đi bằng xe gắn máy. Chính vì vấn đề này mà sau đó gia đình chị P.T. đã làm đơn kiện bệnh viện huyện T.A.
2. Bị chấn thương sọ não, ông Đ.T.Q. được các bác sĩ BV huyện D.A. yêu cầu phải chuyển viện gấp. Tuy nhiên, không hiểu do gấp quá hay do không biết chuyển đi đâu nên bác sĩ bệnh viện huyện D.A lại cho chuyển xuống bệnh viện của tỉnh Đồng Nai (xa hơn về TPHCM). Oái oăm ở chỗ là bệnh viện ở Đồng Nai cũng không có khả năng chữa trị trường hợp này. Thế là gia đình người bệnh lại tốn tiền, tốn sức và mất thêm thời gian để chuyển nạn nhân về TPHCM để điều trị.
“Thật không hiểu nổi bác sĩ huyện D.A. vì lẽ gì lại chuyển bố tôi xuống tận Đồng Nai trong khi ông đang nguy kịch. Thậm chí xe cứu thương của cả bệnh viện huyện D.A. lẫn bệnh viện ở Đồng Nai đều không có máy trợ thở. Tôi phải bóp bóng trợ thở cho bố tôi suốt cả 2 chuyến chuyển viện” - anh L.N.A. thắc mắc.
3. Sau khi nghe bác sĩ khuyên nên cho vợ chuyển sang bệnh viện phụ sản khác để theo dõi hoặc xin lại giấy chuyển viện để chuyển sang bệnh viện phụ sản hoặc trở về Gia Lai vì tình hình sức khỏe của bà xã anh không có gì nguy hiểm và bệnh viện này không có khoa sản, anh P.V.T. dở khóc dở mếu vì cả nhà anh phải thuê xe đi một quãng đường gần 500km tới TPHCM nhưng lại bị “trả về”.
Người bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên sau khi tiếp nhận và khám cho vợ anh T. băn khoăn: “Sản phụ bình thường nhưng không hiểu ở tuyến dưới họ chẩn đoán thế nào mà để gia đình chuyển viện. Đã vậy còn chuyển sai địa chỉ. Thay vì chuyển vào bệnh viện phụ sản cho đúng chuyên môn thì chuyển lên chúng tôi. Với những tình huống này bỏ thì thương mà vương thì tội. Vì ở chỗ bệnh viện chúng tôi không có khoa sản lại đang quá tải trầm trọng nên không giữ bệnh nhân lại được.
Trong khi đó, nếu có làm giấy chuyển sang bệnh viện phụ sản thì cũng không xong. Dù bác sĩ chúng tôi đã có gắng cấp giấy chuyển viện cho họ nhưng khi chuyển tới bệnh viện phụ sản họ cũng không nhận vì giấy chuyển viện không hợp lệ và về nguyên tắc bệnh viện tuyến trên không thể chuyển viện bệnh nhân về tuyến dưới.
Cũng theo bác sĩ này thì trường hợp chuyển viện như vợ anh T. không phải là hiếm. Phải chăng bác sĩ ở tuyến dưới không biết rằng đối với những sản phụ có dấu hiệu bất thường nhưng quá khả năng chữa trị thì cho chuyển tới bệnh viện chuyên khoa sản tại TPHCM. Thay vì chuyển đại tới bệnh viện chúng tôi theo thói quen để người bệnh phải gặp không ít khó khăn khổ sở.
4. Anh N.T.H. thất vọng khi phải bỏ ra gần 4 triệu đồng và đi hết 500km từ Gia Lai đến TPHCM để cắt Amiđan cho con. Anh H. kể, khi cháu có dấu hiệu viêm Amiđan, tôi chuyển cháu vào bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây các bác sĩ chỉ định cắt Amiđan cho cháu, nhưng vì có người nhà làm ở bệnh viện này xin bệnh viện cho giấy chuyển về TPHCM để cắt Amiđan cho cháu.
Tưởng rằng khi có “bảo bối” chuyển viện này và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi khi về TPHCM sẽ được miễn giảm chi phí điều trị. Nhưng khi chuyển tới phòng sang lọc bệnh cấp cứu bệnh viện thì con anh T. lại không phải nhập viện điều trị mà được chuyển qua khu phòng khám.
Bác sĩ giải thích là con tôi bị viêm Amiđan. Nếu cần thì có thể cắt cho cháu, tuy nhiên nếu mổ theo chương trình thì phải chờ vài ngày nữa bệnh viện mới lên lịch được. Gia đình cứ đưa cháu về vì bệnh viện đang quá tải, chỉ nhận điều trị cho những trường hợp nặng, chừng nào có lịch thì bệnh viện sẽ liên lạc. Còn nếu muốn mổ ngay thì phải đăng ký mổ dịch vụ. Không còn cách nào khác anh T. đành bấm bụng chi tiền cắt Amiđan cho con.
Trường hợp nào nên giữ lại, trường hợp nào cho chuyển viện, chuyển tới bệnh viện nào, quy trình vận chuyển cấp cứu ra sao… là điều rất quan trọng bởi nó liên quan đến chất lượng, hiệu quả của việc điều trị cũng như cơ may tồn sinh của người bệnh. Thiết nghĩ các bệnh viện tuyến dưới cần chấn chỉnh và coi trọng hơn nữa việc chuyển viện để người bệnh lẫn bác sĩ tuyến trên không phải “dở khóc dở cười”.
Tiến Đạt