Mới đây, một trường THPT tư thục nổi tiếng ở Hà Nội đã công bố quy định mới áp dụng từ năm học 2017-2018, trong đó có một số điều đáng chú ý như: học sinh không quẹt thẻ khi ra vào trường quá 3 lần/học kỳ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, học sinh vào lớp muộn quá 5 phút (bất kỳ tiết học nào) sẽ không được vào lớp và phải lao động công ích suốt thời gian còn lại của tiết học, không được like những status (dòng trạng thái - PV) có nội dung xấu trên mạng xã hội…
Tương tự, tại TPHCM, phụ huynh cũng một phen hoảng hồn khi nghe con em đang học tại một trường THPT nói về một số quy định lạ của nhà trường, như học sinh nam và nữ không được ngồi cạnh nhau trong lớp học và trên ghế đá ở sân trường…
Trước đó, một trường học ở tỉnh Bạc Liêu cũng dán thông báo “Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường và khách đến làm việc không được phép chụp ảnh, quay phim trong trường khi chưa có sự cho phép của ban giám hiệu”...
Tuy khác nhau về nội dung nhưng nhìn chung, tất cả quy định nói trên đều hướng đến việc rèn luyện tác phong, đạo đức cho học sinh, giúp các em có ý thức đi học nghiêm chỉnh, đúng giờ, biết chừng mực trong văn hóa ứng xử.
Ở một số trường hợp, quy định nhằm chấn chỉnh, khắc phục một hành vi sai trái nào đó đang tồn tại phổ biến trong nhà trường. Tuy nhiên, sau khi được công bố, các quy định đã vấp phải sự phản đối của phụ huynh lẫn học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng các quy định quá hà khắc, cứng nhắc, can thiệp sâu vào quyền cá nhân của học sinh. Thậm chí một số hướng dẫn như “nam nữ ngồi cách xa nhau” còn bị học sinh chế tác thành tranh biếm họa bởi gần như không thể thực hiện được trong thực tế.
Có nơi hai trường học cùng nằm trên một địa bàn quận, huyện nhưng trường này nội quy rất lỏng lẻo, trường kia lại “rắn” đến mức làm khó học sinh.
Chia sẻ với chúng tôi, phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, nếu quy định đặt ra không khiến học sinh “tâm phục, khẩu phục” thì dù các em có nghiêm chỉnh chấp hành cũng chỉ mang ý nghĩa tạm thời, làm vì sợ bị giáo viên phạt, sợ bị hạ hạnh kiểm sẽ liên quan kết quả học tập, chứ không thể thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các em.
“Chỉ khi học sinh có thể nhận thức đúng, sai về sự việc, vì sao không nên thực hiện một hành vi nào đó thì các em mới có ý thức phòng tránh lâu dài”. Kể cả trong trường hợp học sinh không tuân thủ nội quy, thầy cô phải giảng giải, giúp các em nhìn thấy được tác hại không hay của hành vi đó để sửa chữa mới là cách giáo dục đạo đức đúng đắn, không phải việc “phạt thật nặng cho chừa rồi thôi”.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ về xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị kiến nghị cơ quan chủ quản nên có thêm nhiều biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ việc đề ra quy định trong trường học, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay.