“Bí kíp” bắt cá khơi xa

Hơn 30 năm đi biển, ngư dân Bùi Văn Tẩn (52 tuổi ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Sơn, huyện Bình Đông, tỉnh Quảng Ngãi) đã tỉ mỉ ghi chép những chuyến ra khơi của mình, để rồi giờ đây trở thành “bí kíp” giúp đánh bắt có hiệu quả. Qua bao biến thiên của thời gian, cuốn sổ đã hoen ố, màu mực dần phai nhạt, nhưng ông vẫn nâng niu và truyền lại cho con mình.
“Bí kíp” bắt cá khơi xa

Hơn 30 năm đi biển, ngư dân Bùi Văn Tẩn (52 tuổi ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Sơn, huyện Bình Đông, tỉnh Quảng Ngãi) đã tỉ mỉ ghi chép những chuyến ra khơi của mình, để rồi giờ đây trở thành “bí kíp” giúp đánh bắt có hiệu quả. Qua bao biến thiên của thời gian, cuốn sổ đã hoen ố, màu mực dần phai nhạt, nhưng ông vẫn nâng niu và truyền lại cho con mình.

Ông Tẩn say sưa giới thiệu về cuốn “bí kíp Hoàng Sa - Trường Sa”

Đi “vẽ” đáy biển

Chừng phải có đến 10 cái hẹn, chờ lúc biển động, tôi mới hẹn gặp được ngư dân Bùi Văn Tẩn, vì như ông hay trả lời qua điện thoại: “Có rảnh đâu chú! Biển êm phải vươn khơi mưu sinh, kiếm vài đồng nuôi vợ con chú à!”.

Từ cảng Sa Kỳ về nhà ông không xa, nhưng đường quanh co, sâu trong xóm chài Gành Cả. Ở đây, đa phần người dân đều đi biển, có những gia đình nghề biển nối dài nhiều thế hệ. Nhà ông Tẩn hướng mặt ra biển, căn nhà 2 gác khang trang, minh chứng cho sự khá giả của nghề đi biển. Những căn nhà như của ông Tẩn ở đây san sát, sánh ngang với nhà phố nhưng vẫn có những nốt trầm buồn, mà theo ông: “Nghề đi biển nó vậy, giàu đó nhưng cũng đánh đổi nhiều thứ, kể cả sinh mạng”.

Ông Tẩn có 30 năm tung hoành ngang dọc ở Hoàng Sa và Trường Sa, thân hình rắn chắc, nước da sạm đen như thường thấy của cái nghề “ăn sóng nói gió”. 30 năm trước, khi 22 tuổi, hồi đó chuyện đi biển rất cực khổ, dụng cụ và thiết bị hầu như không có, muốn bắt trúng luồng cá phải dựa vào kinh nghiệm. Nhưng với người trẻ lấy đâu ra kinh nghiệm? Nghĩ vậy nên ông nảy ra ý định viết lại tất cả các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa nơi tàu ông đi qua, rồi ghi nhớ các tọa độ có nhiều tôm cá theo mùa. Cuốn nhật ký đánh bắt cá ra đời và gọi vui là “cuốn bí kíp Hoàng Sa - Trường Sa”.

Lật từng trang trong cuốn sổ đã hoen ố; dò từng dòng, từng chữ rồi dừng ở ký hiệu “09-49/114-16, đảo Cô Lin - Trường Sa”, ông Tẩn giải thích: nghĩa là ở tọa độ 09 độ-49’ N/114 độ 16’E ở khu vực đảo Cô Lin của quần đảo Trường Sa, nơi này thường có cá mú và hải sâm”. Giải thích xong điểm này, ông lại đưa tay dò điểm khác, dừng lại ở ký hiệu ghi “Đinh Ba 11-8,4/114-38, thuộc cụm Song Tử -Trường Sa”, rồi giải thích kiểu như lúc nãy, nhưng nói thêm: “Ở cụm Đinh Ba này có rạn san hô vòng ngập dưới nước, bị ngăn cách với bãi Núi Cầu gần đó bởi một kênh nước rộng 2 hải lý”. Lật hết trang này qua trang khác, ông giới thiệu từ Hoàng Sa đến Trường Sa một cách tỉ mỉ y như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Chưa bao giờ tôi thấy một Hoàng Sa - Trường Sa qua cách trình bày của ông thú vị đến vậy.

Cuốn nhật ký chỉ lớn hơn bàn tay, được ông Tẩn tỉ mẩn ghi lại một cách dễ nhớ nhất, không những chỉ cho bản thân mà còn cho các thế hệ sau. 50 tọa độ có cá ở khu vực đảo Hoàng Sa và 100 tọa độ ở đảo Trường Sa là những gì ông Tẩn ghi chép được suốt 30 năm qua. Những trang trong cuốn sổ đã hoen ố, chữ nghĩa bạc phếch màu nhưng đó là công cụ giúp ông đánh bắt hiệu quả, mà nói như ông:  “Công nghệ máy dò ngang, định vị ngày nay cũng chưa chắc bằng nó đâu”.

Ngoài việc ghi lại những tọa độ cá trên các khu vực biển Hoàng Sa - Trường Sa, cuốn sổ của ông còn ghi lại những điểm trú bão cần thiết khi biển nổi cơn thịnh nộ. Cù Lao Xanh ở tọa độ 13 độ 39’E-109độ21’N là nơi ông thường cho tàu vào tránh trú bão mỗi khi biển động. Tại Hoàng Sa, những điểm trú bão cấp 9 -10 được ông ghi lại tọa độ, hướng đi cụ thể như đảo Bom Bay, đảo Đá Bắc. Không riêng gì ở khu vực Hoàng Sa - Trường Sa mà dọc ngang các điểm tránh trú bão từ Nam chí Bắc đều được ông ghi lại.

Lưu truyền con cháu mai sau

Đang nói chuyện, bà Nguyễn Thị Liên (vợ ông Tẩn) góp chuyện: “Ông nhà tôi xem cuốn sổ đó như báu vật, mỗi lần đi biển về, ông lấy ra ghi ghi, chép chép vài ba chữ rồi đưa tôi dặn cất kỹ. Lần đầu thấy lạ, tôi hỏi thì ông nói “cuốn sổ làm ăn đó”, nghe vậy nên tôi làm theo thôi”.

Hai vợ chồng ông sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái), nhưng chỉ có 2 người con trai đầu là anh Bùi Di Tân (36 tuổi) và Bùi Văn Tự (29 tuổi) theo nghiệp cha. Khi nói chuyện về cha mình, 2 người con ông Tẩn lấy làm tự hào: “Nhờ những kinh nghiệm của cha ghi lại mà bây giờ anh em tôi được hưởng. Hai anh em đều sắm riêng cho mình một chiếc tàu để vươn khơi. Những điểm đánh bắt cá trên các ngư trường đã được cha ghi lại, giờ cứ theo đó mà ra khai thác. Nếu không có cuốn “bí kíp” đó, chúng tôi đã gặp khó khăn khi mới vào nghề”, anh Tân tâm sự.

Ông Tẩn hiện chỉ huy 2 tàu cùng đánh bắt song song để sẵn sàng hỗ trợ nhau trên biển. Ông đi tàu nhỏ, người em trai là Bùi Văn Cu đi tàu lớn. Tàu của ông Tẩn luôn thắng lớn và đứng đầu bảng ở làng chài này nhờ có cuốn “bí kíp”.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục