“Dự báo đến năm 2013, tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn nên các giải pháp cứu doanh nghiệp (DN) của TP phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, đồng thời trong khó khăn càng phải sâu sát đời sống nhân dân, chắt chiu mà chăm lo cho dân” - Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh như trên tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 11 ngày 18-10.
Đồng hành với DN bằng cái tâm
Đồng chí Lê Thanh Hải nhìn nhận, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thu ngân sách của TP gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với thành quả nhiều năm luôn hoàn thành chỉ tiêu và hơn hết nguồn thu này sẽ góp phần chia sẻ khó khăn chung của đất nước nên các cấp ủy Đảng, đặc biệt các quận huyện phải nỗ lực chung tay cùng TP hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đồng chí lưu ý, không chỉ thu đúng, thu đủ, thực hiện tốt chủ trương “khoan sức dân” mà phải đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về thuế, xoay xở khai thác nguồn thu từ mặt bằng, đất đai... Mặt khác, các cấp, các ngành dành nhiều thời gian hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Dự báo đến năm 2013, tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn nên các giải pháp cứu DN phải thường xuyên, quyết liệt, mạnh mẽ. Đồng hành với DN bằng cái tâm chứ không phải chỉ là lời nói” - đồng chí nhấn mạnh. Bí thư Lê Thanh Hải đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế TP. “Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng cấp, từng ngành khi hiểu rõ mình phải làm gì, thì sớm triển khai thực hiện. Trong đó phải chắt chiu từng việc làm nhỏ nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển”, đồng chí nhắc nhở.
Hơn lúc nào hết, trong lúc này, càng phải dồn sức cho công tác an sinh xã hội; chăm lo đồng bào nghèo, gia đình chính sách, người neo đơn. Đồng chí yêu cầu: “Càng khó khăn phải càng sâu sát thực tế cuộc sống; việc chăm lo phải đi vào thực chất, trong đó phải tính đến yếu tố biến động giá. Các sở - ngành, quận - huyện cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thấy cái nào vượt thẩm quyền thì kiến nghị TP để chuyển lên cấp trên xem xét, giải quyết”. Để phát triển KT-XH TP, cần chủ động vạch ra từng nội dung cụ thể để triển khai thực hiện chứ không thể nói chung chung, ngồi chờ cấp trên. Chẳng hạn, hoạt động của hệ thống ngân hàng thực tế lệ thuộc nhiều vào ngành dọc, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, thời gian qua UBND TP đã đeo bám, đồng hành, chủ động kết nối ngân hàng với DN nên nhiều khó khăn đã được tháo gỡ.
Chúng tôi cảm thấy nhức nhối lắm!
Chưa hài lòng với kết quả phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí trên địa bàn TP, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, lãng phí như trong Kết luận số 21 và của Ban Thường vụ Thành ủy đã trình, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính. Bí thư Thành ủy thẳng thắn: Đối với TPHCM, nơi dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí, nhất là lĩnh vực đất đai và các thủ tục liên quan đến nhà đất, xây dựng, quy hoạch.
“Tôi nghe thông tin và tôi nghĩ là có thật về tình trạng xử lý vi phạm xây dựng của cán bộ cơ sở một quận nọ, theo kiểu người giàu có tiền lót tay là “cho qua”, người nghèo thì cứ nhất nhất căng theo quy định mà xử. Không “vơ đũa cả nắm” về đạo đức cán bộ ở cơ sở, nhưng cứ để tình trạng này diễn ra, chúng tôi cảm thấy nhức nhối lắm! Nên các quận ủy, huyện ủy phải tăng cường rà soát, nắm chắc lại, xử đến nơi đến chốn, không thể buông lỏng để cán bộ ở dưới tùy tiện vòi vĩnh, hành dân như vậy” - Bí thư Thành ủy nhắc nhở.
Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Sở KH-ĐT tăng cường rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình để công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng “xin - cho” - một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, hành dân. Đối với Cục Thuế TP, đồng chí yêu cầu nghiên cứu phương án thu thuế qua mạng để đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cá nhân, đơn vị đồng thời làm giảm tiêu cực khi cán bộ ngành trực tiếp tiếp xúc.
“Những vụ việc tiêu cực nhỏ có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực đang làm giảm uy tín của nền hành chính công. Chúng ta lo chống tham nhũng nhưng chỉ chủ yếu tập trung vào những vụ việc lớn mà quên rằng chính những vụ việc nhỏ, tiêu cực lắt nhắt thường xuyên diễn ra mới là tác nhân chủ yếu tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân, khiến lòng tin của người dân bị xói mòn” - đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định.
Đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công khai, minh bạch các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, cần phải tập trung mạnh vào khâu phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… Xử lý dứt điểm kết luận của thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu của tham nhũng, tiêu cực; tăng cường vai trò của người đứng đầu; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân, của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực.
Vân Anh – Hồng Hiệp