Sáng 4-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức tọa đàm "Báo chí - xuất bản đồng hành cùng TPHCM trong đột phá cải cách hành chính" (CCHC).
Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Toạ đàm "Báo chí-xuất bản đồng hành cùng TP trong đột phá cải cách hành chính". Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh, nhận xét, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng; kịp thời tuyên truyền những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính và phản ánh những hạn chế gây phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan báo chí đã tạo ra bầu không khí sôi động, cổ vũ mạnh mẽ công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Lê Văn Minh mong muốn các đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về những mô hình CCHC cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố gần dân, vì nhân dân phục vụ.
“Chính quyền khẳng định đã làm hay, làm tốt nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn không hài lòng thì rõ ràng công tác CCHC chưa đạt yêu cầu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Vì vậy, việc thành phố đặc biệt yêu cầu tổ chức khảo sát kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Trong các giải pháp như về ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa quy trình… thì việc ghi nhận sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là giải pháp tập trung, nhằm tạo thúc đẩy thật sự trong công tác CCHC. Đây là giải pháp đột phá ghi nhận sự hài lòng của người dân. Kết quả hài lòng của người dân cũng chính là thước đo hiệu quả trong công tác CCHC.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ, TPHCM chưa yên tâm về kết quả đánh giá của các cơ quan, đơn vị nên rất cần báo chí tham gia giám sát, cũng như hệ thống MTTQ tham đánh giá độc lập.
Xung đột pháp luật, cán bộ không dám sáng tạo
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, CCHC bao gồm những vấn đề liên quan đến thể chế, trong đó có thủ tục hành chính. Song, thực tế hiện nay, quy định pháp luật hiện hành còn chồng chéo, xung đột, tình trạng vẫn muốn “ôm” về trên, “ôm” vào Nhà nước và nặng “xin - cho” vẫn còn tồn tại. Mặc khác, thủ tục đầu tư công hiện vẫn còn tính bằng năm, như thủ tục xây dựng trường học mất 400 ngày... Ở những nơi dự án cần được đầu tư cấp bách, đề nghị chỉ định thầu thì cấp trên không dám quyết.
“Trong nhiệm vụ này, báo chí cần đồng hành với chính quyền thành phố, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, ách tắc để thành phố tiếp tục sáng tạo, thậm chí “xé rào” và tiếp tục phát triển”, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo bày tỏ.
Cụ thể, khi đồng hành, báo chí sẽ sâu sát với thực tiễn, phản ánh những mô hình, giải pháp sáng tạo trong cải cách hành chính. Đồng chí tin tưởng, bằng sự vào cuộc tập trung xử lý những vấn đề tồn tại hiện nay cũng như những giải pháp đang thực hiện sẽ tạo ra những chuyển biến mới, bức phá. Đặc biệt là các chương trình xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, đưa TPHCM trở thành trung tâm quốc tế…
Tiếp tục chia sẻ về ý kiến này, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, cho rằng trong quá trình báo chí đồng hành cùng thành phố trong đột phá cải cách hành chính thì không chỉ lãnh đạo thành phố mà còn ở các cấp chính quyền phải có sự tương tác, trao đổi và tạo điều kiện để báo chí có thêm thông tin, cơ hội lắng nghe, xử lý vấn đề một cách thuyết phục.
Thúc đẩy giải quyết sớm bức xúc của người dân
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các báo tuyên truyền, phản ánh về công tác CCHC tại thành phố. Đặc biệt, Báo SGGP cùng một vài cơ quan báo chí khác còn tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác này. Đồng chí cũng mong muốn báo chí tiếp tục phát hiện những mô hình, sáng kiến để cổ vũ, nhân rộng các mô hình, sáng kiến về CCHC. Mặc khác, đối với các nơi chưa thực hiện tốt công tác CCHC thì báo chí cũng cần thông tin kịp thời, để tạo tác dụng cảnh báo, từ đó khắc phục các hạn chế, yếu kém.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị báo chí tiếp tục tham gia phản ánh sâu rộng hơn nữa kết quả CCHC đến người dân, doanh nghiệp và đeo bám đến cùng các thông tin, kể cả các hạn chế, tồn tại trong CCHC. Để hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí, bên cạnh các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp thì Trung tâm Báo chí TPHCM tiếp nhận, cung cấp thông tin cho báo chí. Cùng đó, chính quyền các cấp của thành phố phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Yêu cầu đặt ra là TPHCM không để thiếu thông tin về CCHC cho các cơ quan báo chí.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, có những bức xúc của người dân là sự việc cụ thể, dù nhỏ nhưng để giải quyết đòi hỏi phải thay đổi quy định từ Trung ương. Trong những trường hợp này, sự vào cuộc của báo chí là rất quan trọng, để cơ quan cấp cao thấy rõ những bức xúc này và có sự quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời.
Đơn cử, TPHCM đang gặp vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. TPHCM đã kiến nghị Trung ương cho phép bồi thường những trường hợp này gần bằng giá đất ở đô thị nhưng chưa được chấp thuận. Điều này gây ra ách tắc trong giải phóng mặt bằng, phát triển, chỉnh trang đô thị. Đây có thể cũng là vướng mắc chung ở nhiều đô thị khác. Do đó, trường hợp báo chí cùng vào cuộc phản ánh thì vướng mắc cụ thể này cũng như những bất cập về quy định nói chung sẽ sớm được tháo gỡ.
Đồng chí Bí thư cũng gửi gắm, trong thông tin, bên cạnh việc đề cập, phản ánh những thác thức, báo chí cần đề cập đến giải pháp giải quyết cũng như tiềm năng đang có của TPHCM.
“TPHCM không chấp nhận yếu kém”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và mong rằng, báo chí cùng đồng hành truyền thông giải pháp, khẳng định nỗ lực phát triển bằng truyền thống năng động, sáng tạo.
Dịch vụ hành chính chất lượng cao - tại sao không?Thảo luận tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong, chia sẻ về sự đồng hành của Báo SGGP trong việc thực hiện chủ đề lớn của TPHCM năm 2019 là “đột phá cải cách hành chính”. Cụ thể, từ đầu năm 2019, báo đã tổ chức chuyên trang về vấn đề này, tập trung vào những mô hình, sáng kiến cách làm hay trong CCHC; phản ánh những bất cập, rào cản cần tập trung tháo gỡ cũng như hiến kế, đề xuất các giải pháp khả thi để đơn giản hóa thủ tục… Đặc biệt là việc thay đổi tư duy theo hướng phục vụ là điều trước tiên, cần mạnh mẽ thực hiện ở cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những gợi ý cụ thể là dịch vụ hóa hành chính công, thay vì để người dân “lụy cò” giải quyết thủ tục hoặc công chức bắt tay với “cò”. “Người dân muốn được phục vụ nhanh so với thông thường, sao chúng ta không minh bạch hóa việc này bằng cách mở một gói “dịch vụ hành chính chất lượng cao”?”, Tổng Biên tập Nguyễn Tấn Phong đề xuất. Khẳng định Báo SGGP sẽ tiếp tục đồng hành, đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC, Tổng Biên tập Nguyễn Tấn Phong cũng kiến nghị các cơ quan, đơn vị, sở - ngành và quận - huyện tiếp tục “rộng cửa” với báo chí. Việc này sẽ góp phần đảm bảo công tác truyền thông về CCHC được tốt hơn. Đại diện Báo Tuổi trẻ cũng đề nghị các cơ quan liên quan có sự phản hồi, thông tin kịp thời về những vấn đề CCHC mà các cơ quan báo chí đề cập, nhằm tạo hiệu quả cao hơn trong việc phối hợp, đồng hành của các cơ quan báo chí với chính quyền trong CCHC. |