Biên đạo múa trẻ - Vững bước kế thừa

Những năm qua, lực lượng biên đạo múa trẻ luôn tích cực phát huy các kiến thức học từ nhà trường, đồng thời nhanh nhạy nắm bắt các trào lưu, xu hướng nghệ thuật thế giới để khéo biến hóa trong quá trình xây dựng các tác phẩm múa mang đậm chất Việt.
Biên đạo múa trẻ - Vững bước kế thừa

Những năm qua, lực lượng biên đạo múa trẻ luôn tích cực phát huy các kiến thức học từ nhà trường, đồng thời nhanh nhạy nắm bắt các trào lưu, xu hướng nghệ thuật thế giới để khéo biến hóa trong quá trình xây dựng các tác phẩm múa mang đậm chất Việt.

        Nhiệt huyết, yêu nghề

Nghệ thuật múa đương đại được xem như là một phương tiện mới tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các biên đạo trẻ sáng tạo. Từ đó, các biên đạo múa trẻ đã khéo vận dụng ngôn ngữ, mảng miếng, thủ pháp, kỹ thuật múa đương đại vào trong những tác phẩm dân gian dân tộc, balet cổ điển… giúp các tác phẩm múa truyền thống trở nên tươi mới, dễ hiểu, lôi cuốn. Điều này thấy rất rõ tại Liên hoan Múa TPHCM mở rộng năn 2013 và Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc đợt 1 vừa tổ chức tại TPHCM.

Tại liên hoan và cuộc thi, hơn 100 tác phẩm múa chuyên nghiệp được các biên đạo múa trẻ đầu tư dàn dựng công phu, hấp dẫn. Đặc biệt, 40 tác phẩm dự thi của 34 biên đạo múa đã phản ánh được năng lực sáng tạo của biên đạo trẻ từ việc lựa chọn ý tưởng, đề tài, đề cương kịch bản, bố cục, cấu trúc, mối quan hệ giữa âm nhạc và ngôn ngữ múa, kỹ thuật, kỹ xảo… Và mỗi tác phẩm được xây dựng như một tấm gương phản chiếu thế giới nhân sinh của tác giả, phản ánh nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, từ đề tài lịch sử, đấu tranh cách mạng, đề tài tình yêu quê hương và đôi lứa, vẻ đẹp phong tục tập quán của các dân tộc, tâm tư tình cảm của người lao động bình dị. Trong đó có những tác phẩm như: Linh thiêng đêm tháp cổ (biên đạo múa Trần Ly Ly), Nỗi niềm Trưng Trắc (Tạ Thùy Chi), Nợ núi sông (Lê Trung Thảo), Lời then mẹ kể (Lê Ngô Bảo Việt), Dũng sĩ rừng Sác (Huỳnh Trí Quang), Thức tỉnh (Nguyễn Bạch Vân), Bám biển (Nguyễn Tấn Hưng - Tạ Phúc Nhật Tân), Hồn rối (Nguyễn Minh Mẫn), Gió đồng (Lương Xuân Thành)… đã đạt được chất lượng cả về nội dung tư tưởng, hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ múa…

Một tiết mục của Đoàn múa quận 5. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Một tiết mục của Đoàn múa quận 5. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Biên đạo múa Lê Ngô Bảo Việt, vũ đoàn Phương Việt chia sẻ: “Đây là cơ hội để anh em trong nghề được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tư duy sáng tạo nghệ thuật, niềm đam mê và có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong việc đầu tư xây dựng tác phẩm”. NSND Nguyệt Nga, thành viên ban giám khảo cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa nhận định: “Tại liên hoan và cuộc thi năm nay, phong cách đương đại được sử dụng nhuần nhuyễn trong từng tác phẩm, không còn sự sống sượng, gượng ép như các đợt liên hoan trước đây. Các biên đạo trẻ đã khéo vận dụng tính thời đại vào trong những tác phẩm múa dân gian, giúp sáng tác có sự tạo hình độc đáo, không rề rà, dễ xem”.

        Cần được định hướng

Lực lượng biên đạo trẻ hiện nay rất đông. Đây là đội ngũ làm nghệ thuật năng động, nhanh nhạy tiếp thu cái mới của thời đại, thích tìm tòi, khám phá, chịu khó học hỏi, nhiệt huyết, yêu nghề. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý, định hướng chặt chẽ thì con đường phát triển của các biên đạo múa trẻ cũng rất dễ lệch hướng, dẫn đến sự ra đời của các tác phẩm kém chất, sai quan điểm thẩm mỹ, lai căng, vô bổ.

Không thể phủ nhận, ngoại trừ các tác phẩm chất lượng được đầu tư dàn dựng để tham gia các cuộc thi, liên hoan múa thì trên thực tế, trong nhiều chương trình ca múa nhạc ở các sân khấu, trên truyền hình, nghệ thuật múa vẫn chưa được đầu tư chăm chút. Vẫn còn hàng loạt tiết mục múa được các biên đạo dàn dựng qua loa, kém chất, chỉ đáp ứng cho nhu cầu “mì ăn liền” của không ít ca sĩ, ông bầu, chương trình… khiến khán giả nhàm chán, biên đạo múa trẻ không có nhiều cơ hội phát huy tay nghề, nghệ thuật múa cũng vì thế mà thiếu những dấu ấn cần thiết trong quá trình hoạt động, phát triển. Vậy nên, công tác bồi dưỡng, quản lý, định hướng phát triển cho đội ngũ các biên đạo múa trẻ hiện nay cần phải được quan tâm và có sự đầu tư nhiều hơn, để lực lượng này có thêm nhiều điều kiện phát huy tài năng, phát triển đúng định hướng.

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, cho biết: “Có thể thấy rõ ở các em sự ham mê làm nghề, dù phải vất vả tự lo toan mọi thứ, chật vật kiếm sống, nhưng rất chịu khó rèn luyện, học hỏi, bỏ nhiều công sức, tâm huyết, tiền của để đầu tư sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm múa chất lượng tại liên hoan múa TPHCM mở rộng và cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa năm nay. Theo tôi, đã đến lúc phải tạo thêm nhiều điều kiện cho lớp trẻ phát huy, phát triển hơn nữa”.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục