Tuổi tác, xuất thân, công việc… khác nhau, nhưng với hơn 600 kiều bào có mặt tại buổi gặp gỡ, giao lưu với chủ đề “Kiều bào và hội nhập” mừng xuân Tân Mão do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức ngày 22-1, lại có cùng một điểm chung là khao khát được đóng góp cho quê hương.
Đánh thức giấc mơ của những người trẻ
Với tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, việc trở về quê hương là ước mơ lớn của ông. Gần 40 năm hoạt động tại Nhật Bản, từng là chuyên viên phát triển kinh tế của Liên hiệp quốc, ông lặng lẽ trở về, mở trường tư thục đầu tiên chuyên đào tạo về kinh tế, thương mại tại Việt Nam đồng thời “gánh” thêm nhiệm vụ Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Hợp tác Việt - Nhật, Phó Trưởng ban Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều, Giám đốc Công ty Minh Trân.
Chọn dịch cuốn sách “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”- cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của ông hoàng chế tạo ô tô Nhật Bản Honda Soichiro, tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng tâm sự: “Tôi chỉ hy vọng có thể đánh thức giấc mơ của những người trẻ Việt Nam, học tập cách làm việc và tinh thần yêu dân tộc của con người Nhật Bản qua câu chuyện rất thực về gương thành công đi từ nghèo khó của Honda Soichiro”.
Là một doanh nhân, ông như con thoi nhưng vẫn chưa bao giờ quên nhiệm vụ “cầu nối” văn hóa Việt – Nhật bằng rất nhiều lần mời các phái đoàn, cán bộ nghiên cứu khoa học, các nhà báo của Nhật Bản qua Việt Nam, tổ chức nhiều triển lãm về Việt Nam tại Nhật Bản giúp người Nhật hiểu hơn về con người, đất nước Việt Nam mà tăng cường đầu tư, du lịch...
Sau 20 năm sống ở nước ngoài, cả hai vợ chồng tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh, kiều bào Đức cùng chung chí hướng: quay trở về làm điều gì đó cho quê hương. Từ cuộc sống lam lũ của bố mẹ ông- những người dân chân chất và từ những lời dạy của thầy cô bên Đức năm xưa về giá trị của khoa học kỹ thuật là mang lại lợi ích cho người nghèo - tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh đầu tư tâm huyết cho nông nghiệp.
Một câu hỏi đau đáu trong ông là tại sao không tận dụng nguồn lục bình dồi dào của một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho từng hộ dân nghèo sống ven sông. Năm 2007, dự án VIE/020 bèo - lục bình đến với nhóm nghiên cứu Trường ĐH Cần Thơ sau nhiều lần đoàn công tác của Chính phủ Luxembourg khảo sát trong dự án tiền khả thi tại một số tỉnh ĐBSCL.
Sau đó, Chính phủ Luxembourg đã chọn tỉnh Hậu Giang, nơi có diện tích mặt nước bị lục bình xâm lấn lớn nhất và cũng là tỉnh nghèo nhất vùng ĐBSCL, để triển khai dự án này.
Ông kể, với 18 hộ nghèo được dự án hỗ trợ thí điểm bằng 4 triệu đồng vốn ban đầu để xây dựng hầm ủ biogas từ lục bình kết hợp với trồng rau, nuôi cá từ xác lục bình. Kết quả: tính ra tiền, một hộ nghèo sau khi chi phí tiền thuê đất để thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng và biogas, mỗi năm vẫn lời được 10 triệu đồng…
Hiện nay, mô hình vườn - ao - chuồng và biogas trong sản xuất nông nghiệp tại Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL của tiến sĩ Quỳnh được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Nắm bắt những cơ hội
Còn với Nguyễn Hữu Thái Hòa, kiều bào Canada, quyết định trở về Việt Nam sinh sống và đảm nhận vị trí Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần FPT - Việt Nam, đã gây ra một cú sốc thật sự với bạn bè anh.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc tại Pháp, sau 3 năm làm việc tại Tập đoàn quốc gia Pháp - Schneider Electric, anh đã 3 lần được thăng chức. Năm 2001, anh đến Pháp làm việc và là người Á Đông đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bộ phận Quốc tế vụ tại Tập đoàn Schneider Electric. Sau đó anh giữ vị trí Giám đốc Chất lượng, quản lý hơn 40 nhà máy của Công ty Schneider Electric tại châu Á – Thái Bình Dương. “Đùng một cái”, anh đưa vợ con về Việt Nam làm việc.
Tâm sự với các kiều bào trẻ tại buổi gặp mặt, anh nói rất thật lòng: “Tôi chỉ mất một tháng đắn đo để quyết định chia tay 13 năm công tác với một tập đoàn đa quốc gia và trở về quê hương với hành trang là những hoài bão nung nấu bấy lâu. Tôi “thấy” được cơ hội đang ngồn ngộn trên mảnh đất này, quan trọng là mình có biết nắm bắt hay không. Với một đất nước có lợi thế về sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực trẻ, Việt Nam không thể đứng mãi ở vai trò gia công dịch vụ. Chúng ta chỉ có thể thoát được “cái áo” gia công dịch vụ khi hàm lượng R&D trong sản phẩm của chúng ta thật sự tăng và giá trị Việt Nam thật sự có trong sản phẩm. Để có thể bứt phá, chúng ta phải có khát vọng thật sự”.
HỒNG HIỆP