Đất trời bừng lên sức sống, không khí hân hoan, lòng người rộn ràng là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến các xã biên giới Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ vào thời điểm những ngày cuối năm. Với nhiều đổi thay tích cực, đời sống của người dân và cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) biên phòng dần được cải thiện. Nhưng trên hết, tình quân dân keo sơn, nồng thắm đã ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế của từng gia đình và đảm bảo an ninh trật tự cho từng thôn bản. Biên giới đang bước vào một mùa xuân sung túc.
*****
Tây Nguyên vào xuân, khí trời se lạnh, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ trên đại ngàn Trường Sơn. Những năm trước, đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa “cơm đỏ” đối với CB-CS bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.
“Cơm đỏ” đã xa
Ai đó nói rằng, tỉnh Gia Lai là nóc nhà của dãy Trường Sơn, ấy vậy mà khi đến các đồn biên phòng ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi vẫn không xác định được mình đang đứng ở vị trí Đông hay Tây Trường Sơn.
Đến Trường Sơn mùa này, chúng tôi chỉ cảm nhận rõ rệt một điều: Trường Sơn bên nắng, bên mưa. Suốt thời gian rong ruổi trong các cánh rừng khộp bạt ngàn của dãy Trường Sơn, đôi lần chúng tôi gặp mưa rừng. Mưa rừng gầm gào hơn bất cứ ở đâu. Mưa như trút nước, xối xả, mờ mịt cả lối đi. Nhưng chỉ qua một đoạn đường ngắn lại bước vào cung đường nắng như đổ lửa. Lúc ấy, chúng tôi cảm nhận rõ nhất ca từ của bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật): Anh lên xe, trời đổ cơn mưa - Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ - Em xuống núi, nắng về rực rỡ - Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Có những cơn mưa rừng bất chợt như vậy, nhưng Tây Nguyên đang vào mùa khô nên các sông, suối đều khô cạn. Cách đây mấy năm, cũng vào mùa này, khi cùng đi tuần tra đến khu vực suối Ia Pô (thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã kể cho chúng tôi nghe về mùa “cơm đỏ” trong những chuyến hành quân xuyên rừng, tuần tra biên giới.
Đường rừng khúc khuỷu, quanh co và phải qua biết bao nhiêu “ngầm” (đoạn đường qua suối) nên mỗi chuyến tuần tra như vậy phải mất vài ngày, có khi hơn tuần lễ. Gạo, đồ hộp, đồ khô, xoong nồi… trĩu nặng ba lô nên các chiến sĩ không mang theo nước. Mùa khô, các dòng sông, con suối đỏ quạch phù sa. Do vậy, dù lọc bằng thuốc nhiều lần, khi nấu chín lên cơm vẫn có màu đỏ. Giờ câu chuyện đó đã thành quá khứ.
Cũng như các tỉnh, thành khác, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, trải bê tông tuyến đường tuần tra biên giới nối liền các đồn biên phòng. Nhờ tuyến đường này mà anh em tuần tra, kiểm tra cột mốc biên giới rất thuận tiện và có thể đi về trong ngày. “Cơm đỏ” trở thành kỷ niệm của một thời đã xa!
Đẩy lùi sốt rét
Cùng với “cơm đỏ”, bệnh sốt rét cũng đã được đẩy lùi đáng kể ở các đồn biên phòng. Trung tá Phạm Hữu Tàm, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tên trước đây là Đồn biên phòng cửa khẩu Ia Kla; đóng quân tại xã Iadom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) kể: “Ngày trước, đường đi còn gian khó thì khu vực này được xem như “cái rốn” của bệnh sốt rét. Ai phục vụ ở đồn này đều bị sốt rét rừng hành hạ. Đồn chúng tôi từng là đơn vị trọng điểm nhất của tỉnh về sốt rét. Khi giao mùa như hiện nay là thời điểm anh em CB-CS bị sốt rét nhiều nhất, có lúc có đến 5 - 6 CB-CS cùng vào bệnh xá biên phòng của tỉnh. Mỗi lần lên cơn là cái lạnh từ trong buốt ra, người run cầm cập, bê tô cháo ăn cũng không nổi. CB-CS nào thấy hơi khỏe là ngồi dậy nấu cơm, nấu cháo cho những đồng đội còn đang chống chọi với cơn sốt. Đáng phấn khởi là hiện nay tình trạng này đã không còn. Đường đến đồn thông suốt, phương tiện đi lại dễ dàng, điện quốc gia về đến tận đồn và sóng điện thoại đã phủ kín. Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo, đời sống của bộ đội được nâng cao và điều đó cũng đồng nghĩa với bệnh tật được đẩy lùi”.
Chúng tôi theo chân các CB-CS Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đi tuần tra biên giới. Tuyến đường liên tuyến được xây dựng bằng bê tông và nối liền với các đồn biên phòng Ia Puk, Ia Mơ, Ia Bi ơ…
Điều khá lãng mạn là tuyến đường này lại có nhiều đoạn cặp sát bờ sông Pô Kô - dòng sông lịch sử gắn liền với anh hùng A Sanh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh chiến sĩ trẻ hát khe khẽ: Hỡi Pô Kô ơi! Dòng sông mênh mông. Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm. Qua tháng ngày, hỏi sông ơi có biết. Anh lái đò tên gọi A Sanh? (bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô”; nhạc Cẩm Phong, lời thơ Mai Trang).
Đến khu vực cột mốc biên giới, các anh đứng nghiêm thực hiện nghi thức chào cột mốc. Không khí trầm mặc, linh thiêng và trang trọng bao trùm miền biên giới. Trong không gian tĩnh mịch, chúng tôi có thể nghe rõ tiếng xạc xào của cây lá và tiếng róc rách của con sông Pô Kô gần đấy.
Chia tay Ia Kla vào buổi chiều cuối năm chầm chậm trải sắc vàng trên miền biên giới, chúng tôi nhớ mãi những bước chân tuần tra lặng thầm và câu chuyện đón xuân của những người lính trẻ. Ở đó có niềm tâm sự sâu kín và có nụ cười rạng rỡ của người chiến sĩ biên phòng.
ĐOÀN HIỆP – ÁI CHÂN