Biển Lý Sơn đầy… rác

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang có sức hút mạnh đối với du khách và đây là lợi thế để huyện đảo này phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, đi kèm với đó là lượng rác từ chính người dân sống trên đảo và du khách thải ra cũng khiến môi trường biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Biển Lý Sơn đầy… rác

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang có sức hút mạnh đối với du khách và đây là lợi thế để huyện đảo này phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, đi kèm với đó là lượng rác từ chính người dân sống trên đảo và du khách thải ra cũng khiến môi trường biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Túi rác

Đi dọc tuyến bờ kè bao quanh đảo Lý Sơn, không khó bắt gặp những bãi rác nổi lềnh bềnh được sóng biển gom lại, đánh dạt vào bờ, hình thành bãi rác “nhân tạo” ngay sát hông những nhà nghỉ, khách sạn trông rất mất vệ sinh.

Ngư dân Nguyễn Văn Vũ (45 tuổi) xã An Hải hồn nhiên trả lời khi được hỏi về nơi đổ rác thải: “Đem ra biển đổ thôi, chứ còn chỗ nào nữa đâu!”. “Sao không gom lại để tổ thu gom đến dọn”. Anh Vũ tặc lưỡi: “Gom mấy ngày, thậm chí cả tuần có ai đến lấy đâu. Cứ để vậy trời nắng nóng hôi lắm nên đem ra biển đổ cho nhanh”.  Ông Lê Thới, chủ nhà nghỉ Bình Yên ở xã An Vĩnh phân bua: “Không có bãi xử lý rác thải nên dân phải đổ rác xuống biển chứ biết mang đi đâu bây giờ. Đất thì chật, dân cư đông đúc, du khách khắp nơi đến tham quan ngày càng nhiều nên rác thải sinh hoạt tăng gấp nhiều lần so với trước”. Ngay chân cầu cảng Lý Sơn, nơi đón khách của huyện đảo, rác cũng tràn ngập. Ngoài các loại rác thải sinh hoạt từ các tàu thuyền xả xuống, còn là mùi hôi nồng của tôm, cá sót lại sau khi các tàu cập bến bán cho người dân. Gần như mọi nguồn nước thải sinh hoạt, nước tẩy rửa vệ sinh tàu và sơ chế thủy sản cũng xả thẳng xuống vùng biển đảo Lý Sơn, làm xấu hình ảnh hòn đảo xinh đẹp giữa trùng khơi.

Rác thải ở ven biển Lý Sơn

Theo thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn, lượng rác thải hàng ngày của hơn 20.000 cư dân và từ du khách trên đảo vào khoảng 20 - 30 tấn/ngày. Trong khi bãi chôn rác lấp tạm thời diện tích chỉ 1.000m² sát biển đang quá tải nên ngày nắng thì công nhân tranh thủ đốt, ngày mưa thì dùng xe xúc chôn lấp để tiết kiệm diện tích. Không có hệ thống xử lý rác thải tập trung, người dân hầu hết đều đem rác quăng xuống biển.

Chờ nhà máy xử lý

Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có hỗ trợ huyện đảo xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, công suất xử lý hơn 15 tấn rác/ngày. Cuối tháng 1-2015, nhà máy được thử nghiệm thành công. Thế nhưng sau đó nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động vì.. thiếu kinh phí vận hành, do vượt ngoài khả năng của địa phương. Hơn nữa, nhà máy xử lý rác thải mới chỉ có một lò xử lý nên đang kiến nghị Bộ TN-MT nâng công suất và vốn đầu tư để bổ sung vào thiết kế một lò đốt nữa để tránh việc ùn ứ rác nếu có lò xảy ra sự cố. Hiện vẫn chỉ có đội thu gom rác thải xã An Vĩnh đi gom rác nhưng do ít người (9 thành viên, hầu hết là nữ) nên số rác mà họ đang “gánh” trở trên quá tải.

Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Lý Sơn tổ chức tiếp quản, vận hành nhà máy xử lý rác thải khi được Bộ TN-MT bàn giao, đồng thời xây dựng phương án thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Lý Sơn theo quy định. Chỉ đạo là vậy, nhưng khi nào nhà máy chính thức hoạt động ổn định và được bàn giao thì còn phải chờ. Đồng nghĩa với mỗi ngày, môi trường biển Lý Sơn vẫn ô nhiễm bởi hàng chục tấn rác thải sinh hoạt được người dân và du khách “ném” vào.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục