
Tập đoàn Changing World Technologies vừa hoàn thành việc lắp đặt một nhà máy với quy mô lớn chuyên xử lý các phụ phẩm phế thải trong quá trình giết mổ gà công nghiệp ở bang Missouri, nước Mỹ. Kỹ sư Terry Adams, cố vấn dự án, khẳng định: “Chỉ cần biến toàn bộ phụ phẩm phế thải từ đàn gà tây của quốc gia (ước khoảng 600 triệu tấn/năm) thành dầu và khí đốt là đã mang lại một nguồn năng lượng tương đương 4 triệu thùng dầu hàng năm. Hơn thế nữa, quy trình này có thể bổ sung cho nguồn cung cấp dầu hỏa đang ngày càng cạn kiệt dần”.

Như đã nói, hiện nay, tại nhà máy đặt ở Carthage, Missouri, nguyên liệu đang được thí nghiệm chủ yếu là các phụ phẩm phế thải từ quá trình giết mổ gà tây công nghiệp gồm lông, xương, da, huyết, mỡ và ruột.
Mỗi ngày, một chiếc xe nâng đổ một khối lượng khoảng 6.000 kg chất thải đủ loại từ gà tây vào công đoạn thứ nhất của chiếc máy nghiền có công suất 350 mã lực. Tiếp theo, chúng sẽ trải qua công đoạn hai khi được nghiền nát, tạo thành một hợp chất sền sệt có màu nâu xám.
Từ đó, hợp chất này được cho chảy vào một loạt các bồn chứa và ống dẫn cùng với quá trình nung nóng, phân loại... ở công đoạn ba. Tiếp tục tiến hành phân tích hỗn hợp, các chuyên gia thu được những chuỗi carbon dài nhất là C-18 (hoặc nằm trong khoảng đó) và đây cũng chính là một loại dầu nhẹ, về cơ bản, tương tự như một hỗn hợp phân nửa là dầu hỏa, phân nửa là dầu nhiên liệu.
Các nhà đầu tư của Tập đoàn Changing World Technologies đã bỏ ra trên 40 triệu USD để phát triển quy trình này từ năm 2005 tới nay và mới đây Chính phủ liên bang cũng đã cho cấp thêm hơn 12 triệu USD để thúc đẩy công việc tiến hành nhanh hơn. Theo tính toán, quy trình này có thể sản xuất ra loại dầu nhiên liệu với giá thành chỉ vào khoảng 8-12 USD mỗi thùng, thấp hơn rất nhiều lần so với nguồn nhiên liệu truyền thống khai thác từ các mỏ dầu hỏa.
NHƯ QUỲNH (Theo USA Today)