Biến tướng nhà xây không phép

Hàng trăm căn nhà kiên cố gồm 1 trệt, 1 lầu, ngang 3,5m, dài 8 - 10m được xây dựng trên những thửa ruộng tại ấp Tam Đông 1, Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) có giá bán “trao tay” 420 - 480 triệu đồng/căn. Chủ nhân của những ngôi nhà này dọn đến ở chỉ hơn 1 tuần qua và ai cũng nói “nhà hợp pháp”, nhưng không đưa ra được giấy tờ gì chứng minh pháp lý mang tên mình…
Biến tướng nhà xây không phép

Hàng trăm căn nhà kiên cố gồm 1 trệt, 1 lầu, ngang 3,5m, dài 8 - 10m được xây dựng trên những thửa ruộng tại ấp Tam Đông 1, Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) có giá bán “trao tay” 420 - 480 triệu đồng/căn. Chủ nhân của những ngôi nhà này dọn đến ở chỉ hơn 1 tuần qua và ai cũng nói “nhà hợp pháp”, nhưng không đưa ra được giấy tờ gì chứng minh pháp lý mang tên mình…

        Nhà “3 chung”

Ông Trần Văn Đông đưa chúng tôi xem bản Vi bằng do Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hoa ký ngày 25-4-2013 ghi nhận việc giao nhận tiền theo hợp đồng chuyển nhượng giữa ông và vợ - bà Trần Thị Tốc với ông Quách Đình Dũng - người chuyển nhượng đất. Diện tích chuyển nhượng là 29,4m² thuộc một phần thửa đất 578, tờ bản đồ 50 tại 298/5C ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn (kèm tài sản gắn liền với đất). Ông Đông quả quyết: “Hàng chục căn trong khu này đều là chung thửa đất, chung giấy phép xây dựng và chung địa chỉ nhà”. “Chủ đất khu này là ai?” - chúng tôi hỏi. Ông Đông đưa ra tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản photocopy) do UBND huyện Hóc Môn cấp ngày 7-1-2013 mang tên Bùi Duy Nghĩa và Lương Duy Kiên. Diện tích khu đất là 892m². Ông Đông giải thích: “Ông Nghĩa, ông Kiên bán cho ông Dũng bằng giấy tay, sau đó ông Dũng cũng bán cho chúng tôi bằng giấy tay cả đất và nhà với giá 420 triệu đồng (1 trệt, 1 lầu, ngang 3,5 m, dài 8,5 m). “Nhà có giấy phép xây dựng không?”. “Có”. Ông Đông nói rồi đưa chúng tôi xem giấy phép xây dựng số 230/GPXD do Phòng QLĐT huyện Hóc Môn cấp cũng cho ông Bùi Duy Nghĩa và Lương Duy Kiên. Ngày cấp là 23-1-2012, trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại là 7-1-2013 (!?). Tổng diện tích xây dựng là 751m²/892m², bao gồm trệt 375,80m², lầu 375,80m². Ông Đông còn đưa chúng tôi xem giấy chứng nhận số nhà do Phòng QLĐT huyện Hóc Môn cấp cũng đúng thửa đất, đúng địa chỉ và được… dùng chung cho cả khu nhà này (?)

Khu nhà “3 chung” 34 căn tại khu đất trên đường TTT 16, xã Thới Tam Thôn đang được gấp rút xây dựng.

Khu nhà “3 chung” 34 căn tại khu đất trên đường TTT 16, xã Thới Tam Thôn đang được gấp rút xây dựng.

Đối diện khu nhà ông Đông là một khu phân lô chia nền khác nằm trên đám ruộng hơn 1.000m² với 2 dãy nhà gần 40 căn. Diện tích mỗi căn gồm 1 trệt, 1 lầu, ngang 3,5m, dài 10m. Mỗi căn nhà “3 chung” ở đây được người dân cho biết có giá bán 470 - 480 triệu đồng/căn. “Xây căn nào là bán sạch căn đó. Muốn mua phải đợi 1 tuần nữa mới có” - ông Xuân, chủ một căn nhà, nói.

Một khu nhà “3 chung” khác gồm 34 căn theo giấy phép xây dựng số 8960/GPXD do Phòng QLĐT huyện Hóc Môn cấp tại số nhà: (chưa có số), đường TTT 16 (không ghi ấp), xã Thới Tam Thôn. Diện tích khu đất là 986,80m², tổng diện tích xây dựng là 305m² gồm trệt 203,35m², lửng 101,68m², kết cấu tường gạch, sàn gỗ, mái tôn. Quan sát chúng tôi thấy diện tích xây dựng tại khu này lớn hơn rất nhiều so với giấy phép và hầu hết là nhà kiên cố 1 trệt, 1 lầu. Một người dân ở đây cho biết đều phải “chung chi” cho cán bộ ấp, cán bộ xã mới được xây dựng như thế. Anh T., chủ một căn nhà, còn cho biết, muốn có số nhà và giấy phép xây dựng tách ra riêng phải “chung” 7 triệu đồng.

        “Mua nhà giấy tay, người dân ráng chịu”

Ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nói với chúng tôi như vậy về những căn nhà “3 chung” đang tồn tại hiện nay. Về pháp lý, ông Tài nói không có gì sai, vì đất ở những khu nhà này đã được chuyển mục đích sử dụng, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng. Còn việc người dân tự ý chia nhỏ thành từng căn trên một giấy phép xây dựng rồi bán qua lại bằng giấy tay là bất hợp pháp. Chính quyền cũng chưa cấp giấy chứng nhận nhà, đất cho những căn nhà “3 chung” này. “Thế nhưng, người dân nói họ vẫn mua bán, dọn đến ở bình thường mà chẳng thấy chính quyền nói gì, vì chủ đất cho biết đã “chung” cho cán bộ xã rồi, nên cứ yên tâm (!?)” - chúng tôi hỏi. Ông Tài nói: “Cái đó tôi không biết (!?)”.

Rõ ràng, việc tồn tại hàng trăm căn nhà “3 chung” ở một xã nông thôn của ngoại thành mà chúng tôi đề cập ở trên là “có vấn đề”. Nếu xảy ra tranh chấp, hoặc phải chứng minh nguồn gốc sử dụng đất và sở hữu nhà khi giao dịch thì người dân không có gì để chứng minh tính pháp lý. Thiệt hại chắc chắn họ phải chịu, còn chính quyền địa phương thì… không liên can!? 

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục