“Binh chủng” sắc bén thời chống Mỹ cứu nước

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lễ đón nhận do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể tại thành phố vào sáng nay, 15-4-2015.
“Binh chủng” sắc bén thời chống Mỹ cứu nước

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lễ đón nhận do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể tại thành phố vào sáng nay, 15-4-2015.

Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Thanh Bền, cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, về những đóng góp của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sứ mệnh của Ban Tuyên huấn

Bác Hồ đã dạy: “Tổ chức cách mạng phải có cơ quan ngôn luận”. Ngày 23-11-1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà căn cứ Chiến khu Đ (Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (sau đây gọi tắt là Ban Tuyên huấn) với nhiệm vụ: Công tác tư tưởng chính trị, cổ động tuyên truyền, đẩy mạnh công cuộc xây dựng vùng giải phóng, trong tình hình mới đang đòi hỏi cấp bách một bộ máy tổ chức lãnh đạo với một đội ngũ cán bộ tuyên huấn thích ứng mọi tình huống. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban, đồng chí Trần Bạch Đằng, Phó Ban thường trực, nhà báo Tân Đức, nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu, ủy viên. Sau đó Ban được bổ sung các ủy viên: Trần Trọng Tân, Tô Lâm, Tô Bửu Giám, Lưu Hữu Phước, Trần Hữu Dụng, Văn Chương (Năm Quảng), Trần Mão, Nguyễn Văn Chí, Võ Nhân Lý, Thép Mới, Cao Văn Sáu, Trần Thanh Xuân, Phạm Văn Kiết… Căn cứ đóng tại Chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh).

Đoàn cán bộ phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng đi chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến về Sài Gòn.

Nhờ có chính nghĩa và uy thế cách mạng, Ban Tuyên huấn đã thu hút lực lượng trí thức từ nội thành Sài Gòn ra chiến khu tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, như các giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Ngọc Thưởng, các kỹ sư Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Thả, nhà văn Lý Văn Sâm, soạn giả Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Thanh Loan; các ký giả báo Trung Lập (ở Campuchia), nhiều văn nghệ sĩ Việt kiều ở Phnom Penh (Campuchia). Và đông đảo nhất là lực lượng nam nữ thanh niên từ nhiều tỉnh tình nguyện tham gia hàng ngũ cách mạng.

Khi chiến trường cần, Ban Tuyên huấn đã tuyển chọn hàng ngàn thanh niên trẻ khỏe - quân số lúc đó trên 2.700 người - thành lập Trung đoàn chủ lực xông ra chiến trường. Đông đảo lực lượng còn lại tham gia vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện vào trang bị cho các tỉnh Nam bộ.

Cùng với việc chi viện vũ khí, Trung ương Đảng đã cử nhiều đợt cán bộ chuyên ngành tuyên huấn cùng số cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc trở về, cộng với lực lượng cán bộ tại chỗ từ nhiều nguồn, nhiều nhà trí thức, giáo sư, nhà nghiên cứu, đạo diễn, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã có giải thưởng trong nước và quốc tế… Ban Tuyên huấn đã tập hợp được một Ban tham mưu có số lượng trí thức và chuyên viên cao cấp nhiều nhất ở miền Nam.

Thành tích đặc biệt xuất sắc

Ban Tuyên huấn là cơ quan tham mưu chính trị của Đảng, đồng thời vừa làm nhiệm vụ cơ quan chức năng chính quyền của các cơ quan chính quyền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Do tính chất quan trọng đặc biệt và yêu cầu tính thường xuyên chiến đấu cao của công tác tuyên huấn của Đảng, nên Trưởng ban là các đồng chí Bí thư Trung ương Cục, hoặc Phó Bí thư Thường trực Ban Thường vụ Trung ương Cục, qua các thời kỳ có các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Trần Nam Trung, Phạm Hùng phụ trách.

Những năm 1955, 1956, Ban đã “cắm” được bộ phận điện báo ngay trong Sài Gòn để bí mật thu phát tin tức hàng ngày phục vụ cho lãnh đạo.

Xác định Sài Gòn - Gia Định là địa bàn chiến lược trọng điểm, Ban Tuyên huấn trực tiếp xây dựng bộ máy, tổ chức nhân sự (từ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ nòng cốt), san sẻ cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (BTH T4 hoặc Y4). Nhiều cán bộ được bố trí vào nội thành hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở nội thành ở nhiều khu xóm lao động, vẫn tồn tại đến ngày 30-4-1975, phối hợp với bộ đội giành chính quyền tại chỗ.

Sau chiến thắng trận Ấp Bắc (1963) ở Mỹ Tho, Ban Tuyên huấn phát động phong trào rộng khắp trong quân dân “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thế trận “Hai chân (Chính trị, quân sự), Ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận)”, làm tan rã hàng ngũ địch. Thực hiện “bửu bối” Ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị), đặc biệt coi trọng vùng đô thị, Ban Tuyên huấn vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng miền Nam của Đảng, biết lợi dụng tình hình khủng hoảng của chính quyền Sài Gòn - sau vụ đàn áp Phật giáo (1963), vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, của nữ sinh Nhất Chi Mai và nhiều vị chân tu khác ở miền Trung, Ban Tuyên huấn đã chớp thời cơ xây dựng ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam hàng loạt các tổ chức cơ sở hoạt động trong tôn giáo, học sinh sinh viên, các vị chức sắc Phật giáo, trí thức, nhân sĩ, nhà giáo và nhân dân lao động, có nhiều quan chức chế độ Sài Gòn tham gia. Các phong trào “Dân tộc tự quyết”, “Bảo vệ hòa bình”, “Phong trào bảo vệ nhân phẩm”, “Phong trào Tự trị đại học” và độc đáo là “Ký giả đi ăn mày”... càng khuấy động tinh thần yêu nước chống Mỹ lên cao, càng làm tình trạng khủng hoảng của chế độ Sài Gòn thêm trầm trọng.

Vì là thời chiến tranh, Ban Tuyên huấn như một binh đoàn. Cán bộ công nhân viên - cả nam và nữ - đều là chiến sĩ, vừa công tác vừa sẵn sàng đánh giặc chống càn bảo vệ căn cứ, cơ quan. Mỗi tiểu ban đều có từ tiểu đội đến trung đội du kích vũ trang, đã từng bắn cháy xe tăng, bắn rơi máy bay trực thăng của địch. Hàng trăm người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, trong đó có 30% là phóng viên. Đặc biệt có 3 liệt sĩ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là: nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà thơ Lê Anh Xuân.

Trải qua 8 lần dời căn cứ, 3 cuộc chống càn (trong đó có trận càn lớn Junction City với 40.000 quân Mỹ ngụy đánh vào căn cứ Ban Tuyên huấn), tham gia 2 đợt Tổng tấn công Mậu Thân 1968 và đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, Ban Tuyên huấn đã huy động tổng lực của 24 đơn vị trực thuộc với hàng ngàn người răm rắp tuân hành “quân lệnh”, trên dưới một lòng, hợp đồng nhịp nhàng chặt chẽ, bám sát các mũi Quân giải phóng từ nhiều hướng, quyết tâm về giải phóng Sài Gòn vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử. Vì chức năng của mình, các đơn vị của Ban Tuyên huấn như Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Báo Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng nhanh chóng tiếp quản trụ sở cơ quan chuyên ngành của Sài Gòn. Để 7 giờ tối hôm đó, đài phát thanh, đài truyền hình, thông tấn xã đồng loạt phát tin mừng Sài Gòn giải phóng.

Ban Tuyên huấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã có 3 đơn vị trực thuộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là: Điện ảnh giải phóng, Nhà in Trần Phú và Thông tấn xã Giải phóng (chung với Thông tấn xã Việt Nam). Thời kháng chiến, Thông tấn xã Giải phóng đã vinh dự được nhận: Huân chương Thành đồng hạng nhì (1962), Huân chương Giải phóng hạng nhất (1975).

THANH BỀN

Tin cùng chuyên mục