Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp nhóm G20 diễn ra trong hai ngày 22 và 23-6 tại Paris (Pháp), lãnh đạo đảng Xanh của Canada, bà Elizabeth May đã kêu gọi Bộ Nông nghiệp Canada có tiếng nói mạnh mẽ hơn ở vị trí nhà tài trợ lớn thứ hai đối với Chương trình Lương thực thế giới (WFP). Đảng này đang đứng về phía tổ chức nhân đạo Oxfam (Anh) để kêu gọi Chính phủ Canada ủng hộ các giải pháp ổn định giá lương thực gồm: tạo nguồn cung khẩn cấp lương thực trong khu vực; công bố thông tin về giá dự đoán cũng như sản lượng thực tế; thắt chặt quy định đối với các mặt hàng lương thực của thị trường tương lai; ngăn chặn việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ những cánh đồng lương thực. Những biện pháp này được các chuyên gia đánh giá là “tín hiệu xanh” trong khi cụm từ “an ninh lương thực” được nhắc đến với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, theo giảng viên kinh tế học - chuyên gia an ninh lương thực Christopher Barrett, Đại học Cornell (New York), cần có sự tách bạch rõ ràng hai khái niệm giá lương thực tăng và giá cả lương thực thay đổi đột ngột. Khái niệm đầu tiên phản ánh hệ quả nguồn cung lương thực bị đe dọa nhưng khái niệm thứ hai lại phản ánh những “góc tối” trong chuỗi sản xuất, phân bố lương thực trên thị trường tiêu dùng. Để đối phó với nguy cơ thứ hai, bên cạnh những biện pháp như hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước, những quốc gia đứng đầu trong nhóm sản xuất lương thực nên cân nhắc các biện pháp: loại bỏ những rào cản mặt hàng nông nghiệp quốc tế, tăng cường các nghiên cứu khoa học để nâng cao năng suất, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo không ảnh hưởng đến đất trồng và các vụ mùa.
Khảo sát mới nhất mà công ty chuyên thực hiện khảo sát GlobeScan (Canada) thực hiện theo yêu cầu của Oxfam với hơn 16.400 đối tượng thuộc 17 quốc gia đã cho kết quả có đến hơn 53% người thay đổi thực đơn trong hai năm qua vì giá lương thực vượt quá khả năng tiêu dùng của họ. Trong bảng giá lương thực của Tổ chức Nông lương (FAO), mức tăng trung bình là 37% chỉ trong một năm. Riêng mức tăng giá mặt hàng ngũ cốc là 69%, thịt là 20%... Mới đây, FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED) cũng đã đưa ra dự đoán giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong những thập niên kế tiếp. Để đáp ứng nhu cầu lương thực trong 40 năm tới, các quốc gia đang phát triển phải nâng gấp đôi mức sản lượng hiện nay.
Theo Oxfam, trong khi người Canada chỉ tốn 10% thu nhập cho bữa ăn thì rất nhiều hộ gia đình ở các quốc gia đang phát triển phải chi đến 80% thu nhập cho nhu cầu lương thực. Thống kê của FAO đã chỉ ra thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người (13,6% dân số thế giới) đang chịu cảnh thiếu ăn, phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển và các quốc gia kém phát triển ở châu Phi.
Các chương trình an ninh lương thực của Canada hiện đóng vai trò quan trọng tại thời điểm hiện tại. Trong cuộc gặp Giám đốc Điều hành WFP Josette Sheeran và Chủ tịch Quỹ quốc tế vì phát triển nông nghiệp (IFAD) Kanayo F. Nwanze tại Italia cuối tuần qua, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Canada Beverley Oda đã cam kết tăng cường các hoạt động phát triển và nhân đạo của Canada trong lĩnh vực an ninh lương thực. Lãnh đạo đảng Xanh Elizabeth May trong tuyên bố gần đây đã nhấn mạnh: “Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được nguồn lương thực ở mức công bằng là nhiệm vụ tiên quyết trong việc giải quyết an ninh lương thực”.
Như Quỳnh