Qua đó, các thế hệ lãnh đạo, giáo sư, nhà khoa học… đã cùng nhau ôn lại chặng đường bền bỉ mang ngọn lửa khoa học của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc đến với đất “võ” Bình Định.
Phát biểu tại buổi lễ, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, cho biết Trung tâm ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế tham gia. Trong đó có 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao cấp trong lĩnh vực thiên văn), 1 giáo sư đoạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga… Ngoài các hội nghị hàng đầu thế giới và sự cộng tác chặt chẽ của Viện Khoa học Quốc tế, Trung tâm ICISE đã bắt đầu xây dựng Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành. Hiện, trung tâm đã có 2 nhóm nghiên cứu trẻ về vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và vật lý neutrino. Sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục thành lập những nhóm nghiên cứu khác. “Chúng tôi đã có những đội ngũ khoa học vững mạnh trên thế giới cũng như trong nước. Những nguồn lực này sẽ làm cho “ngọn lửa” ICISE cháy mãi, bền vững và phát triển hơn”, GS Trần Thanh Vân khẳng định.
GS Trần Thanh Vân chia sẻ thêm, để làm được những điều như hôm nay, nhờ sự tin tưởng, đồng hành của người bạn đời ông là GS Lê Kim Ngọc. GS Trần Thanh Vân cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo đã sáng suốt vì đại cuộc và tương lai ở Bình Định.
“Chúng tôi mơ ước, trong một tương lai không xa, chúng ta kết hợp, cùng nhau biến khu đất Quy Hòa trở thành khu đô thị khoa học hoạt động hiệu quả đầu tiên tại Việt Nam. Sẽ biến thành phố Quy Nhơn trở thành “viên ngọc” khoa học của Việt Nam”, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, ghi nhận: “Sau 10 năm, Trung tâm ICISE đã có sự thay đổi rất tích cực, đạt được thành quả lớn. Sắp tới, chúng ta sẽ còn có nhiều việc để làm, để thực hiện ước mơ biến nơi đây thành vùng đất khoa học của Việt Nam; thực hiện ước mơ thành phố khoa học có trình độ nghiên cứu cao, tạo ra những nhà khoa học sắc sảo, có tính lan tỏa. Đây sẽ là nơi đào tạo ra các thế hệ làm khoa học sắc sảo, có thể hướng đến giải Nobel trong tương lai”.
Về phía tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã tỏ lòng cảm ơn, tri ân vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đã hết lòng vì sự nghiệp khoa học của nước nhà. Sắp tới, tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch để phát triển thung lũng Quy Hòa thành một Khu đô thị Khoa học - Giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Trong khu đất có diện tích 242ha này, sẽ hình thành lên các dự án, như: Trung tâm ICISE, công viên sáng tạo TMA, công viên phần mềm của Công ty TNHH phần mềm FPT, Làng khởi nghiệp và khu đổi mới sáng tạo, khu tổ hợp không gian khoa học với nhà mô hình vũ trụ, nhà khám phá khoa học, đài quan sát thiên văn phổ thông, cùng các viện nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao…