Binh đoàn 15 bám rễ trên Tây Nguyên

Ngày 20-2-1985, Binh đoàn 15 được thành lập với lực lượng nòng cốt từ Quân khu 5, có nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. 26 năm xây dựng và phát triển, Binh đoàn 15 đã trở thành lá chắn che chở, bao bọc cho một góc biên cương Tổ quốc, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn lật sang trang sử mới.
Binh đoàn 15 bám rễ trên Tây Nguyên

Ngày 20-2-1985, Binh đoàn 15 được thành lập với lực lượng nòng cốt từ Quân khu 5, có nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. 26 năm xây dựng và phát triển, Binh đoàn 15 đã trở thành lá chắn che chở, bao bọc cho một góc biên cương Tổ quốc, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn lật sang trang sử mới.

Không xa Trường Sơn

Đầu tháng 6-2011, chúng tôi có dịp ghé thăm đại bản doanh của Binh đoàn 15 ở phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ký ức về những ngày đầu dẫn quân đi khai hoang mở đất được bắt đầu bằng câu chuyện giữa Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Tư lệnh binh đoàn và chúng tôi. Ông tâm sự: “Chiến tranh đi qua, những gì còn lại với vùng đất Tây Nguyên là sự hoang tàn bởi bom đạn và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Sự sống nơi đây là những ngôi làng của đồng bào người bản địa nghèo nàn, heo hút giữa những cánh rừng thưa, lạc hậu, bệnh tật và đói khổ. Những ngày tháng trong cuộc chiến, chính những cánh rừng này đã che chở và đồng bào nơi đây đã sát cánh cùng bộ đội Trường Sơn chia ngọt sẻ bùi làm nên chiến thắng. Đất, người dân và bộ đội đã gắn chặt cùng nhau. Chiến tranh đi qua, không thể để đồng bào mình khổ mãi, phải thắng cái đói, cái nghèo trên chính mảnh đất mà mình đã chiến thắng kẻ thù”.

Binh đoàn 15 bám rễ trên Tây Nguyên ảnh 1

Tư lệnh Binh đoàn 15 Nguyễn Xuân Sang (bên phải) tặng quà lưu niệm Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn TPHCM, trong dịp trở lại chiến trường Tây Nguyên

Sự đoàn kết quân dân đã góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc chiến, giờ cũng vậy, lãnh đạo binh đoàn đặt ra phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh huyện, công ty gắn với huyện xã, đội sản xuất gắn với buôn làng”. Những ngày đầu để vận động các dân tộc Tây Nguyên làm kinh tế không đơn giản. Ban ngày đi làm ở nông trường, đêm bộ đội lại soi đuốc xuyên rừng vào các làng, gõ cửa từng nhà để tổ chức họp, tuyên truyền, vận động bà con. Rồi cũng đến ngày dân làng đi theo bộ đội vào nông trường cuốc đất khai hoang.

Đại tá Vũ Bá Kim, Chánh Văn phòng Binh đoàn 15, nhớ lại: “Ngày bộ đội về khai hoang, có nơi đồng bào còn kéo ra ngăn cản vì nghĩ rằng bộ đội chiếm đất. Đích thân Tư lệnh Nguyễn Xuân Sang phải đến giải thích rằng bộ đội về trồng cây cao su, trồng xong sẽ giao lại cho đồng bào, rừng cao su này mãi mãi là của đồng bào. Đất rừng, cao su của Nhà nước, của Binh đoàn cũng là của dân. Nói và làm như một nên dân hiểu, tin và không ngăn cản nữa”. Thời điểm đó, chuyện trồng cây cao su cũng không hề đơn giản. Bộ đội phải cầm tay chỉ việc, đào hố sẵn, trồng cây sẵn rồi bàn giao, nhưng bàn giao rồi bà con cũng không biết chăm sóc… Từ vận động đến chỉ dẫn và cùng làm là cả một quá trình gian khó với cả hai bên.

Hồi sinh những vùng đất chết

Với phẩm chất và bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, các cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ Binh đoàn 15 đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Tây Nguyên thành khu kinh tế năng động. Nơi nào có nông trường, nơi đó có khu dân cư, có hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục đồng bộ, tạo ra bộ mặt nông thôn mới trên những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Những cái tên như Đức Cơ, Đăk Tô, Morai - Sa Thầy… và cả Attapư bên đất bạn Lào, từng được biết đến là những tọa độ lửa, những vùng đất chết trên dãy Trường Sơn, giờ đã được thay thế bởi màu xanh của những rừng cao su, cà phê bạt ngàn.

Cùng với những thành tựu là sự lớn mạnh không ngừng của binh đoàn. Từ một lực lượng mỏng mà cán bộ chiến sĩ là chủ đạo, nay binh đoàn đã có hơn 15.000 lao động là đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, thu nhập ổn định bình quân từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Hệ thống các đơn vị làm kinh tế của binh đoàn được mở rộng theo sự đa dạng các ngành nghề với 4 trung đoàn làm kinh tế, 9 công ty trải khắp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Dương và liên kết với nước bạn (Công ty Hợp tác KT-385 tại Attapư - Lào). Doanh thu toàn đơn vị năm sau luôn cao hơn năm trước. Diện tích canh tác cũng không ngừng tăng mạnh. Bên cạnh phát triển kinh tế, binh đoàn còn chú trọng chăm lo đời sống văn hóa của cán bộ, công nhân và đào tạo nguồn nhân lực với hệ thống hơn 100 nhà trẻ, một trường trung cấp nghề để đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Binh đoàn cũng kết nghĩa với nhân dân các xã nơi đơn vị đóng quân để giúp đỡ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Có thể nói, những người lính năm xưa lại giành chiến thắng ở mặt trận mới. Họ đã biến vùng đất Tây Nguyên trên dãy Trường Sơn với những quả đồi hoang tàn thành những cánh rừng cao su bạt ngàn mang lại hiệu quả cao trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Binh đoàn 15 được đánh giá là một hình mẫu về sự kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng trên địa bàn biên giới.

PHÚ KHUYNH

Tin cùng chuyên mục