Chương trình theo dõi trên diện rộng gây tranh cãi của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vừa chính thức chấm dứt, thay thế bằng một chương trình mà Nhà Trắng gọi là “có trọng tâm hơn”.
Nếu như nhìn vào những quy định mà bộ luật mới USA Freedom Act đưa ra như NSA phải xin phép Tòa án giám sát tình báo hải ngoại (FISC) để được phép truy cập dữ liệu hay FISC chỉ cho phép NSA truy cập thông tin từ những nhà mạng cung cấp dịch vụ di động trong trường hợp cụ thể… thì chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng NSA bị giới hạn, không thể tự do như trước.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một lỗ hổng giúp NSA tiếp tục thực hiện hoạt động gây tranh cãi của cơ quan này. Tờ New York Times cho biết, luật Tự do thông tin của Mỹ cho phép thu thập thông tin ở hải ngoại. Điều này đồng nghĩa với việc NSA sẽ không do thám ở Mỹ nhưng thoải mái thực hiện việc thu thập thông tin từ nước ngoài. NSA có thể theo dõi các thư điện tử, truy cập dữ liệu Internet từ hệ thống cáp quang từ hải ngoại… mà chẳng phải lo ngại vi phạm luật pháp của Mỹ.
Alex Abdo của tổ chức Liên minh quyền tự do công dân Mỹ nhận định việc chấm dứt theo dõi trên diện rộng không hơn một chiến thắng mang tính biểu tượng bởi đây là lần nhượng bộ lớn đầu tiên của một cơ quan tình báo Mỹ.
Trong khi đó, Marcy Wheeler, một blogger chuyên về an ninh, thậm chí còn cho rằng bộ luật USA Freedom Act là để giúp mở rộng hơn hoạt động theo dõi chứ không phải thay thế. Theo Wheeler, Chính phủ Mỹ sẽ còn theo dõi dữ liệu các cuộc gọi kể cả của người Mỹ và người nước ngoài trên quy mô lớn hơn nữa nhờ Quyết định 12333 ban hành dưới thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1981. Quyết định này cho phép Tổng thống có quyền quyết định việc nghe lén.
Chưa hết, dù chương trình theo dõi trên diện rộng đã kết thúc nhưng những thông tin đã thu thập được sẽ không bị hủy bỏ ngay lập tức và sẽ được giữ lại đến hết tháng 2-2016. Nhà Trắng cho biết NSA vẫn được tiếp cận “có giới hạn” dữ liệu khổng lồ trên, không phải vì mục đích phân tích thông tin mà để đảm bảo “tính toàn vẹn của hệ thống dữ liệu”.
Theo New York Times, nếu để nói về bộ luật mới USA Freedom Act, điều thay đổi duy nhất trong bộ luật này là NSA không còn được thoải mái xâm nhập các thông tin liên quan đến công dân Mỹ trên đất Mỹ. Cơ quan này sẽ phải xin phép để được phép thực hiện việc này. Nhưng điều mà dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế lên án, đó là quyền tự do cá nhân bị xâm phạm nghiêm trọng thì không hề được giải quyết khi mà NSA vẫn có thể thoải mái do thám thông tin cá nhân từ nước ngoài. Nói theo một cách khác, bộ luật USA Freedom Act chỉ là thay đổi quy trình thu thập thông tin, bình mới rượu cũ mà thôi. Chuyện không theo dõi, không do thám nữa là điều không tưởng. Điều này được thấy rõ khi sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, Pháp đêm 13-11 xảy ra, nhiều nghị sĩ Mỹ còn kiến nghị hoãn việc áp dụng bộ luật USA Freedom Act lại đến năm 2017. Tuy nhiên, ngay lúc đó, giới quan sát đã cho rằng việc trì hoãn là điều không thể bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, đảng Dân chủ đang rất cần lá phiếu của các cử tri. Và USA Freedom Act sẽ góp phần giúp đảng này trong cuộc đua cam go với đối thủ Cộng hòa.
Đỗ Cao