Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu

Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 đã bước sang năm thứ 4. So với năm 2013, chương trình năm nay tiếp tục nhận được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp (DN). Trong đó, danh mục các loại thuốc bình ổn tiếp tục nối dài thêm.
Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu

Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 đã bước sang năm thứ 4. So với năm 2013, chương trình năm nay tiếp tục nhận được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp (DN). Trong đó, danh mục các loại thuốc bình ổn tiếp tục nối dài thêm.

Giá thấp hơn 5% - 10%

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2014 và Tết Ất Mùi năm 2015 nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chăm lo an sinh xã hội. Đồng thời, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và Chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” của Sở Y tế TPHCM. Do vậy, thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc bình ổn có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.

Danh mục thuốc bình ổn thị trường được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám chữa bệnh, danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ VI và nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của người dân TP. Căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như khả năng cung ứng của các DN, CTBOTT các mặt hàng dược thiết yếu sẽ thực hiện bình ổn đối với 21 nhóm  thuốc, 150 hoạt chất (tăng 65 hoạt chất) với 530 mặt hàng. Theo tính toán, số lượng thuốc bình ổn sẽ chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân TP sử dụng trong năm.

Tương tự như năm 2013, giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất từ 5% đến 10%. 

Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn thị trường, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Khi điều chỉnh tăng giá bán bình ổn, đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán và được Sở Y tế, Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng, có gửi thông báo về các sở, ngành chức năng.  Điều quan trọng, giá thuốc tham gia chương trình phải niêm yết công khai và thống nhất ở tất cả các điểm bán thuốc bình ổn thị trường.

Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu ảnh 1

Sản xuất thuốc phục vụ bình ổn giá tại Công ty Nadyphar. Ảnh: CAO THĂNG

Đưa thuốc bình ổn vào KCN-KCX

Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, năm nay chương trình tiếp tục khuyến khích phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối, các điểm bán thuốc bình ổn thị trường tại các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp, nhà thuốc tư nhân, đại lý thuốc trên địa bàn TP. Thuốc trong chương trình sẽ được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập và điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều.

 

 21 nhóm thuốc bình ổn năm 2014

Thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm 21 nhóm thuốc sản xuất, trong đó: thuốc giảm đau - hạ sốt (67 mặt hàng); thuốc kháng sinh (85 mặt hàng); thuốc kháng viêm (7 mặt hàng); chống dị ứng (24 mặt hàng); trị tiêu chảy (18 mặt hàng); trị bệnh đau dạ dày (37 mặt hàng); thuốc trị ho (29 mặt hàng); trị hen phế quản (1 mặt hàng); thuốc tim mạch (111 mặt hàng); trị tiểu đường (29 mặt hàng); thuốc nhỏ mắt (11 mặt hàng); thuốc trị giun (2 mặt hàng); thuốc chống thoái hóa khớp (7 mặt hàng); vitamin - khoáng chất (47 mặt hàng); thuốc dùng ngoài (10 mặt hàng); thuốc cải thiện tuần hoàn não (8 mặt hàng); chống rối loạn tâm thần (6 mặt hàng); thuốc trị nấm (10 mặt hàng); thuốc từ dược liệu (3 mặt hàng); thuốc chống dị ứng (24 mặt hàng); thuốc khác (8 mặt hàng).

 

Để làm được việc này, Sở Y tế sẽ ban hành các công văn chỉ đạo và đôn đốc các phòng y tế quận, huyện, các cơ sở khám chữa bệnh và trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn triển khai kế hoạch thực hiện CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015. Theo đó, Sở Y tế đã cử chuyên viên đến các phòng y tế để trực tiếp xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thuốc 2014, trên cơ sở này, các phòng y tế có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện CTBOTT tại các nhà thuốc trên địa bàn.

Đối với các bệnh viện, Sở Y tế đã triển khai thực hiện CTBOTT mặt hàng dược phẩm thiết yếu trong các cơ sở khám chữa bệnh, thông qua các cuộc họp giao ban ban giám đốc các bệnh viện; yêu cầu bệnh viện chỉ đạo thầy thuốc kê đơn thuốc nội và thuốc bình ổn trong điều trị, đồng thời đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn vào công tác thi đua, khen thưởng của các bệnh viện. Qua từng năm, các thầy thuốc đã dần có sự thay đổi trong nhận thức khi kê đơn thuốc nội và thuốc bình ổn. Lượng thuốc kê đơn điều trị ngoại trú cũng tăng theo từng tháng.

Mặt khác, Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng, đặc biệt là ban quản lý các KCN-KCX tiếp tục rà soát mặt bằng, tiến hành xây dựng các nhà thuốc tại các địa điểm này. Từng bước phấn đấu tại mỗi KCX-KCN có ít nhất từ 1-2 nhà thuốc bình ổn nhằm tạo điều kiện cho công nhân được sử dụng thuốc chất lượng cao, giá rẻ trong chương trình.

Bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định: CTBOTT thuốc tân dược đã và đang được triển khai một cách hiệu quả. Thuốc bình ổn đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người bệnh. Giá thuốc bình ổn thấp và ổn định, có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt nên được người bệnh quan tâm. Nhờ vậy, thuốc bình ổn tiếp tục chi phối thị trường, tạo tác động lan tỏa, góp phần làm giá nhiều mặt hàng thuốc tương tự được giữ ổn định. Số lượng nhà thuốc tự nguyện đăng ký tham gia bán thuốc bình ổn ngày càng tăng.

Bên cạnh những thuận lợi, chương trình bình ổn giá thuốc tây cũng gặp không ít hạn chế. Đó là các DN chưa kịp thời đưa thuốc bình ổn đến các nhà thuốc đã tham gia chương trình. Nguyên nhân chủ yếu là do DN có ít nhân lực bán hàng, trong khi điểm bán thuốc nhiều nhưng lại nằm rải rác khắp TP; một số bác sĩ cũng chưa thực sự quan tâm  đến việc kê đơn thuốc bình ổn trong quá trình điều trị…

Trong năm 2014, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng kế hoạch và tiếp tục quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về nội dung chương trình bình ổn thuốc của thành phố đến người dân, các cơ sở điều trị và các cơ sở bán thuốc. Chỉ đạo các phòng y tế quận, huyện triển khai chương trình bình ổn thuốc đến các nhà thuốc, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà thuốc trên địa bàn tham gia bán thuốc bình ổn, tăng cường công tác kiểm tra các nhà thuốc tham gia bình ổn trên địa bàn quận, huyện theo kế hoạch. Thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, đặc biệt là các loại thuốc trong chương trình bình ổn cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, từng bước thay đổi thói quen kê đơn thuốc của các bác sĩ từ thuốc ngoại sang thuốc nội.

Theo kế hoạch, ngày 17-5-2014, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức hội nghị triển khai CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu đến các DN, các bệnh viện cùng các hệ thống nhà thuốc nhằm triển khai thực hiện tốt chương trình năm 2014 trên địa bàn TPHCM, góp phần đưa thuốc bình ổn đến với người dân có nhu cầu tốt hơn.

 Doanh số bán thuốc bình ổn tăng 1,8 lần

Theo Sở Y tế TPHCM, sau một năm triển khai Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 (từ ngày 1-4-2013 đến 31-3-2014), tổng doanh số bán của 392 mặt hàng thuốc hơn 82 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2012.

Đối với từng DN, doanh số bán các loại thuốc bình ổn tăng khoảng 50%, góp phần làm cho doanh số thuốc nội tăng 40% so với cùng kỳ năm 2012. Tỷ lệ giá trị thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện TP tăng từ 20% lên 30%; tại các bệnh viện quận, huyện tăng từ 30% lên 40%, góp phần làm cho tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến TP đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Doanh số thuốc bình ổn bán ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc bình ổn toàn TP.

Về phát triển điểm bán, đến hết chương trình 2013, các DN đã phát triển 2.756 điểm bán (tăng 420 điểm so với năm 2012), trong đó có 2.054 nhà thuốc tư nhân, 108 nhà thuốc bệnh viện (đạt tỷ lệ 100% nhà thuốc bệnh viện) và 594 nhà thuốc và đại lý thuốc DN. Số cửa hàng tham gia bán thuốc bình ổn đã chiếm 68% tổng số các cửa hàng bán thuốc lẻ trên địa bàn TP. Tại các điểm bán thuốc bình ổn đều được trang bị đầy đủ băng rôn, bảng giá thuốc. Ngoài ra, năm 2013 Sở Y tế đã triển khai được một số đại lý thuốc ở vùng sâu, vùng xa, ngoại thành, KCN – KCX, khu dân cư nghèo.

Theo Sở Y tế, năm 2014, chương trình sẽ nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 3.000 điểm để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân, đồng thời tạo sức lan tỏa cho thuốc nội trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

 HỒ LÂM

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục