Bình Phước một năm vượt khó

Đến nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt 6,64%, có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. 
Phân loại hạt điều ở Công ty Phúc An (thị xã Phước Long). Ảnh: VĂN PHONG
Phân loại hạt điều ở Công ty Phúc An (thị xã Phước Long). Ảnh: VĂN PHONG
Trong năm 2017, tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đã tác động không nhỏ tới ngành sản xuất chính là nông nghiệp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân. Nhưng với quyết tâm vượt qua khó khăn của toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của người dân, doanh nghiệp, kinh tế - xã hội,  quốc phòng - an ninh của tỉnh cơ bản ổn định, tiếp tục phát triển khá trên nhiều lĩnh vực. 

Thu ngân sách vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ

Đến nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt 6,64%, có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả 6 chương trình đột phá chiến lược và 12 dự án trọng điểm. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 5.614 tỷ đồng, vượt 15% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã có sự điều chỉnh, bổ sung, tạo môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Chất lượng công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên; lĩnh vực lao động và việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm hơn. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ; gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.  

Tình hình an ninh trên tuyến biên giới cơ bản ổn định, quan hệ hữu nghị và hợp tác giúp đỡ các tỉnh giáp biên giới Campuchia ngày càng được tăng cường. Bình Phước là tỉnh đầu tiên thí điểm tiến hành xây dựng mốc phụ biên giới Việt Nam - Campuchia. Tính đến nay, đã xác định 138/181 mốc, xây dựng hoàn thành 131/181 mốc phụ (giáp các tỉnh Munđulkiri, Kratie và T’bông Khmum); quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và 1 tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển. 

Kết quả đó là nhờ tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường thu hút, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là về tín dụng, thị trường tiêu thụ, đổi mới công nghệ… góp phần quan trọng cho sự phát triển và ổn định của tỉnh, tạo điều kiện có thêm nguồn lực giải quyết những khó khăn trước mắt và cho đầu tư phát triển. 

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Trong năm 2018, Bình Phước sẽ tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 6 chương trình, 12 dự án trọng điểm Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra; tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung triển khai thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

Một số chỉ tiêu cụ thể của tỉnh: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 6,8% - 7%; cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,2%; công nghiệp và xây dựng chiếm 37,8%; dịch vụ chiếm 36%; GRDP bình quân đầu người 58 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 2.240 triệu USD, thu ngân sách (cả nội địa và hải quan) 6.000 tỷ đồng; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 26,2%; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm trong năm 0,5%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 13,5%; tỷ lệ dân số sử dụng điện 98,7%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,3%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 9 xã.

Để đạt các chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Đồng Xoài lên thành phố trong năm 2018; xem xét và cho chủ trương cụ thể đối với 2 dự án Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú và Khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập; đặc biệt, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, làm tốt các chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, hợp tác hình thành liên kết chuỗi trong nông nghiệp; xây dựng chiến lược phát triển ngành điều và ngành chăn nuôi bền vững; phát triển thương hiệu sản phẩm, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu mỗi xã nông thôn mới có 1 hợp tác xã kiểu mới, mỗi huyện, thị xã có mô hình sản xuất chuỗi giá trị cao, đặc sản riêng biệt để phát triển theo xu hướng thương mại- du lịch. 

Triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; tiếp tục củng cố và sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế tuyến xã, y tế dự phòng; chủ động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh đủ điều kiện để trở thành bệnh viện vệ tinh; tiếp tục xây dựng văn hóa công sở, văn minh nơi công cộng và nâng cao thực chất phong trào “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng Nhân dân tỉnh; nâng cao chất lượng các kỳ họp và tiếp xúc cử tri, thực hiện chất vấn giữa hai kỳ họp; nghiêm túc ghi nhận và chỉ đạo thực hiện các ý kiến góp ý của cử tri và Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện các chính sách; tăng cường giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai theo đúng quy định để hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
TRẦN TUỆ HIỀN
(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước)

Tin cùng chuyên mục