Bình Thuận: Rừng bị tàn phá, cán bộ “đá” trách nhiệm

NGUYỄN TIẾN
Bình Thuận: Rừng bị tàn phá, cán bộ “đá” trách nhiệm

Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, hàng chục hécta rừng nguyên sinh bên lòng hồ thủy điện Đa Mi nằm trong ranh giới của 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bị phá tan nát. Theo người dân địa phương, việc phá rừng diễn ra một cách rầm rộ và công khai nhưng chính quyền và các đơn vị quản lý rừng nơi đây đều cho rằng không hay biết và phủ nhận trách nhiệm.

Rừng nguyên sinh quanh hồ Đa Mi bị triệt hạ không thương tiếc

Từ xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Nam), chúng tôi đi ghe trên hồ Đa Minh để vào khu vực rừng nguyên sinh. Đến khu vực rừng đầu nguồn xung quanh lòng hồ thủy điện, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng hàng loạt khoảnh rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ nham nhở. Ông N.K.H (người dân sống gần lòng hồ Đa Mi) cho biết: “Cách đây khoảng hơn một tháng, khi tôi đi dọc hồ Đa Mi thì thấy một nhóm khoảng 20-30 người ngang nhiên dùng cưa máy triệt hạ hàng loạt những cánh rừng bên lòng hồ thủy điện. Hàng ngày, họ bắt đầu tổ chức phá rừng thường từ 4-7 giờ sáng, buổi chiều từ 4-7 giờ tối thì nghỉ”. Còn ông K.A (ngụ xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) bức xúc: “Theo quan sát của chúng tôi, nhóm đối tượng phá rừng này đến từ địa phương khác. Họ thường dùng ghe di chuyển qua khu vực rừng Đa Mi tổ chức triệt hạ cây trong khoảng 2-3 ngày rồi rút đi, sau đó vài ngày lại quay làm tiếp”. Theo ước tính của người dân địa phương, ít nhất đã có khoảng 40-50ha rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như pơ-mu, cẩm lai… bị chặt hạ.

Người dân trong khu vực cho biết, các đối tượng phá rừng nhằm mục đích làm rẫy trồng cà phê và trong tương lai khu vực lòng hồ Đa Mi sẽ phát triển du lịch, có thể họ tìm cách chiếm đất rừng để sau này chờ tiền đền bù của Nhà nước. Sau khi những cánh rừng trên bị triệt phá, các đối tượng này sẽ tiến hành sang nhượng lại cho người khác với giá 100 triệu đồng/ha. Điều làm cho những người dân địa phương khu vực quanh lòng hồ Đa Mi bức xúc chính là việc khu vực rừng bị phá chỉ cách quốc lộ 55 và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đa Mi - Hàm Thuận chừng 500m nhưng cơ quan chức năng cho rằng không hề hay biết, cũng như không có bất kỳ một động thái nào để bảo vệ. “Chắc chắn họ phải có một thế lực nào đó bảo kê, tiếp tay để phá rừng chứ người dân nơi đây ai cũng biết, mà chỉ có cơ quan quản lý rừng là không biết”, ông N.K.H. chia sẻ.

Trong khi những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá thì lực lượng chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Ông Văn Thành Kỹ Sang, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), cho biết: “Khu vực rừng bị phá không thuộc địa phận chúng tôi quản lý mà thuộc xã Đa Mi quản lý”. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho rằng, chuyện phá rừng xảy ra trên địa bàn xã là có, nhưng khu vực rừng nói trên thì xã không biết nằm ở chỗ nào. “Nếu muốn biết phải đi hỏi kiểm lâm mới xác định được. Còn chúng tôi nói chưa nắm vụ việc là không đúng, mà nói đã nắm thì cũng không biết chỗ nào mà nắm!”, ông Vũ nói.

NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục