Tỉnh Bình Thuận hiện có 19.500ha thanh long, với sản lượng gần 400.000 tấn trái/năm. Ở đây đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn, thuận tiện cho việc thu mua xuất khẩu. Hiện trái thanh long Bình Thuận đã đi tới 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cây thanh long đã có mặt ở đất Bình Thuận từ lâu, nhưng khoảng chục năm nay, loại cây này mới phát triển nhanh chóng. Hiện toàn tỉnh có 19.500ha, mỗi năm gần 400.000 tấn trái, so với năm 2005, tăng 234% về diện tích và tăng 200% về sản lượng. Bộ NN-PTNT đã xác định đây là cây trồng có lợi thế cạnh tranh nhất trong 11 loại trái cây ở nước ta và cấp chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết hiện cây thanh long được coi là cây trồng chủ lực ở Bình Thuận. Cả cấp tỉnh, cấp huyện đến từng hộ nông dân đều quan tâm đầu tư, từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, tưới nước, chong đèn, làm thanh long trái vụ, cho đến các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Toàn tỉnh có 7.335ha/381 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP (đứng đầu cả nước về thực hành VietGAP trên cây ăn quả), ngoài ra có 10 đơn vị/222ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc chăm sóc có kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn, chủ động mùa vụ (rải vụ) đã tạo điều kiện cho thanh long Bình Thuận mở rộng tiêu thụ ra thị trường nước ngoài và ổn định giá cả. Hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu chính ngạch sang 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kho lạnh, khu vực sơ chế, bảo quản thanh long sau thu hoạch. Hiện đã có một nhà máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng của Công ty TNHH Hồng Ân tại huyện Bắc Bình, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong tổng số 19.500ha thanh long của tỉnh Bình Thuận thì huyện Hàm Thuận Nam có đến gần 11.000ha, mỗi năm thu 220.000 tấn trái, chiếm trên nửa sản lượng của cả tỉnh. Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam), cho biết: Người dân Bình Thuận trồng thanh long từ lâu rồi, nhưng cao điểm từ 2006 - 2010. Dân ồ ạt trồng thanh long cũng vì cây này cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác. Giá thời điểm này 10.000 - 12.000 đồng/kg, vụ chính thì khoảng 7.000 - 10.000 đồng, cao hơn nữa thì 13.000 - 14.000. Giờ đây, khắp nơi, Phan Thiết, La Gi, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân đều trồng thanh long. Nhiều nơi, thanh long còn lấn cả vào đất lúa.
Chúng tôi đến “thôn triệu phú” Minh Hòa. Ông Lê Bá Hợp, Bí thư chi bộ thôn, cho biết thôn có 712 hộ từ nhiều nơi về đây lập nghiệp. Hàng chục năm gắn bó với cây thanh long, đời sống bà con ngày càng được cải thiện. Dân cần cù, chịu khó, lại biết ứng dụng khoa học kỹ thuật đem lại năng suất cao. Ngày càng nhiều hộ làm ăn lớn, có hộ đến 7ha thanh long, tức là có 7.000 trụ, có hộ nhiều hơn, nhưng đa số là 500 - 1.000 trụ, lên nhà lầu, xe hơi cũng là nhờ thanh long. Ông Hợp nhẩm tính, năng suất 1ha (1.000 trụ) cho 7 - 10 tấn, thời điểm này giá 12.000 đồng/kg thì lãi 200 triệu đồng/ha.
BÌNH NGUYÊN – NAM VIÊN