Blouse trắng giữa trùng khơi

Chỗ dựa vững chắc nơi đầu sóng
Blouse trắng giữa trùng khơi

Giữa biển Đông bao la, những thầy thuốc trên quần đảo Trường Sa không chỉ sáng ngời y đức mà còn vững vàng chuyên môn.

Chỗ dựa vững chắc nơi đầu sóng

Trường Sa mùa biển động, những cơn gió chướng, sóng lừng cấp 6 - 7 tung bọt trắng xóa liên tục quật vào bờ kè đảo Nam Yết. Bệnh xá đảo Nam Yết là một dãy nhà mái bằng khang trang nằm giữa trung tâm đảo dưới những rặng dừa xanh mướt, hiên ngang giữa biển Đông. Trong khu điều trị, chiến sĩ Đặng Hòa Đang - máy trưởng xuồng CQ đang được các bác sĩ của bệnh xá tận tình thăm khám lại vết thương giãn dây chằng sau tai nạn lao động. Chia sẻ với chúng tôi, Đang nói: “Em ra đảo công tác được hơn 6 tháng và đây là lần đầu tiên phải vào bệnh xá chữa trị. Em bị thương, lúc đầu đau lắm, đi không nổi, nằm cũng không xong. Vậy mà chỉ 3 ngày nằm tại bệnh xá, được các y, bác sĩ ở đây chăm sóc, chữa trị chu đáo, em đã có thể đi lại được rồi, vết thương không còn đau nhiều nữa…”.

Y sĩ Hồ Đức Thuận (đảo Đá Thị) kiểm tra sức khỏe cho chiến sĩ.

Y sĩ Hồ Đức Thuận (đảo Đá Thị) kiểm tra sức khỏe cho chiến sĩ.

Bệnh xá đảo Nam Yết chỉ có 4 giường bệnh nhưng hệ thống trang thiết bị khá hiện đại như: siêu âm, điện tim, máy thở, gây mê, chỉnh hình và bàn mổ. Nhưng quan trọng hơn cả, ở đây có một đội ngũ ê kíp y, bác sĩ giỏi về chuyên môn, tận tình trong công việc nên Bệnh xá Nam Yết lâu nay đã trở thành chỗ tựa tin cậy về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo và ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ trên biển Đông mỗi khi đau ốm hay không may gặp nạn. Lần giở những trang hồ sơ bệnh án lưu lại ở bệnh xá, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục tài năng, ý chí của những thầy thuốc nơi đây khi đã “khuất phục” rất nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Ngư dân Lữ Đình Lệnh (38 tuổi, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) trong khi đánh bắt cá gần đảo Nam Yết đã không may bị cánh quạt trên tàu cá quấn vào chân, làm đứt động mạch chủ chảy máu ồ ạt. Anh Lệnh được đưa vào cấp cứu tại bệnh xá trong tình trạng tụt huyết áp, sốc nặng do mất nhiều máu. Các y bác sĩ ở đảo Nam Yết đã khẩn trương thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu, cầm máu, truyền dịch và tiến hành phẫu thuật nối động mạch cho bệnh nhân. Thật kỳ diệu, chỉ 6 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Lệnh hồi tỉnh. Sau 2 ngày nằm điều trị ở bệnh xá, sức khỏe của anh Lệnh đã hồi phục và theo được tàu cá trở về đất liền.

Nguy hiểm và phức tạp hơn là trường hợp ngư dân Nguyễn Thành (36 tuổi, ở tàu cá PY 019273 của Phú Yên) bị dây xích tàu cá quấn làm dập nát bàn tay và mất gần 1 ngày sau anh Thành mới được đưa vào đảo cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Thế nhưng chỉ 3 ngày sau khi được y, bác sĩ của đảo phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân Thành đã hồi tỉnh. Cho tới lúc rời bệnh xá trở về tàu cá, anh Thành không khỏi nghẹn ngào xúc động chia tay với những người thầy thuốc nơi đây khi họ đã đánh bại tử thần để anh được cứu sống, trở về với đất liền và gia đình thân yêu.

Vượt qua thử thách

Công tác nơi đảo xa giữa trùng khơi sóng to gió lớn, trong điều kiện cơ sở vật chất và tinh thần không thể đầy đủ bằng đất liền nhưng người thầy thuốc ở các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn biết vượt lên khó khăn, bước qua thử thách, sẵn sàng hy sinh và từ bỏ các mưu cầu cá nhân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là chuyên gia tim mạch giỏi với một gia đình đầm ấm ở thủ đô Hà Nội nhưng thượng tá, BS Trịnh Quốc Hưng đã quyết định ra Trường Sa để thử thách chuyên môn với cương vị phụ trách Bệnh xá đảo Nam Yết. Tâm sự với chúng tôi, BS Hưng cho biết, toàn bộ thầy thuốc ở đảo Nam Yết gồm 2 bác sĩ và 5 y sĩ, đều là quân số của Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) ra công tác.

Mặc dù ở đảo bệnh nhân không nhiều như trong đất liền nhưng mỗi khi có bệnh nhân, nhất là những ca cấp cứu tai nạn lại là những thử thách rất lớn, đồng thời là cơ hội để trau dồi kỹ năng, nâng cao tay nghề cho các y bác sĩ. Bởi lẽ dù trang thiết bị y tế, thuốc men khá đầy đủ nhưng điều kiện cấp cứu, khám chữa bệnh vẫn rất hạn chế so với đất liền. “Những lúc khẩn cấp, ngoài việc phải vận dụng hết khả năng chuyên môn, liên lạc trao đổi thêm với đồng nghiệp ở đất liền thì toàn bộ ê kíp còn phải thống nhất cao, chủ động quyết đoán để tập trung xử lý mọi tình huống nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh…” - BS Hưng chia sẻ.

Bác sĩ đảo Nam Yết sử dụng máy điện tim kiểm tra sức khỏe cho một chiến sĩ bị tai nạn lao động.

Bác sĩ đảo Nam Yết sử dụng máy điện tim kiểm tra sức khỏe cho một chiến sĩ bị tai nạn lao động.

Để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thực tế hiện nay trên quần đảo Trường Sa, ở tất cả các đảo nổi và cả đảo chìm đều có đội ngũ y, bác sĩ vững vàng về chuyên môn từ các bệnh viện, viện của Bộ Quốc phòng ra công tác để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho quân và dân. Thiếu úy, y sĩ Hồ Đức Thuận (32 tuổi, quê Quảng Bình) là cán bộ y tế duy nhất trên đảo chìm Đá Thị nên công việc của anh luôn bận rộn và vất vả. Chia sẻ với chúng tôi, Thuận tâm sự: So với các đảo nổi, cuộc sống ở đảo chìm khó khăn và khắc nghiệt hơn rất nhiều. Tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm ra đây công tác vì mình đang còn trẻ lại được đào tạo bài bản nên cần phải cống hiến sức trẻ, kiến thức và lòng nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc. Chỉ mong sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đảo, trở về đất liền, mình có thêm điều kiện để được học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Ngời sáng người chiến sĩ áo trắng

Dốc hết tâm lực để trị bệnh, cứu người, những chiến sĩ mặc áo blouse trắng Trường Sa đã và đang khẳng định được năng lực chuyên môn và tạo được niềm tin yêu sâu sắc của quân và dân nơi đây. Bệnh xá đảo Song Tử Tây vừa vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu Bệnh xá xuất sắc nhất quân chủng năm 2013. Thế nhưng, đối với những người thầy thuốc nơi đây, phần thưởng đáng quý nhất là niềm tin, tình yêu thương quý trọng của quân dân trên đảo và ngư dân dành cho họ như những người ruột thịt.

Đáng trân trọng hơn cả, nếu như ở đâu đó trong đất liền, mỗi khi ốm đau đi viện, hay trước mỗi ca phẫu thuật, người bệnh thường rất lo lắng, căng thẳng vì những chuyện tiêu cực này nọ của một số bác sĩ thì ở Trường Sa, từ quân tới dân khi đi khám chữa bệnh, dù nặng hay nhẹ đều bình đẳng chan hòa tình cảm, chữa bệnh miễn phí và hoàn toàn không có chuyện đưa “phong bì” cho bác sĩ. Giữa biển Đông bao la, những thầy thuốc - người chiến sĩ áo trắng ở Trường Sa đang kiên cường, vững chắc trước mọi thử thách khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời để đem niềm vui, sự sống, niềm hạnh phúc cho quân và dân trên đảo, góp phần gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục