Bờ Biển Ngà bên bờ nội chiến

Ngày 28-12, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã cử lãnh đạo ba nước trong khu vực là Cape Verde, Benin và Sierra Leone đến Bờ Biển Ngà nhằm thuyết phục ông Laurent Gbagbo từ bỏ quyền lãnh đạo nếu không muốn đối mặt với sự can thiệp bằng quân sự.
Bờ Biển Ngà bên bờ nội chiến

Ngày 28-12, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã cử lãnh đạo ba nước trong khu vực là Cape Verde, Benin và Sierra Leone đến Bờ Biển Ngà nhằm thuyết phục ông Laurent Gbagbo từ bỏ quyền lãnh đạo nếu không muốn đối mặt với sự can thiệp bằng quân sự.

  • Những nguy cơ tiềm ẩn

Tình hình Bờ Biển Ngà trở nên căng thẳng hơn sau khi LHQ, ECOWAS và nhiều nước đồng loạt lên tiếng công nhận ông Alassane Ouattara đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đồng thời kêu gọi đương kim Tổng thống Laurent Gbagbo rời nhiệm sở.

Trong khi đó, đất nước dường như đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Một bộ phận người dân Bờ Biển Ngà bày tỏ lo ngại về nguy cơ bạo lực bùng phát mạnh nếu quốc tế hành động quân sự can thiệp, đẩy đất nước đến một cuộc nội chiến mới trong khi cuộc nội chiến cũ giữa chính phủ của ông Laurent Gbagbo và các phe phái kiểm soát miền Bắc vừa kết thúc được ba năm.

Thế nhưng, lực lượng ủng hộ ông Alassane Ouattara, người được cộng đồng quốc tế công nhận thắng cử, hy vọng giải pháp can thiệp quân sự sẽ sớm được thực hiện.

Người dân Bờ Biển Ngà cầu nguyện cho đất nước đừng rơi vào nội chiến. Ảnh: AFP

Người dân Bờ Biển Ngà cầu nguyện cho đất nước đừng rơi vào nội chiến. Ảnh: AFP

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Le Monde của Pháp ngày 27-12, ông Laurent Gbagbo đã cảnh báo rằng “âm mưu” của Pháp - Mỹ từ chối công nhận ông là người lãnh đạo hợp pháp của Bờ Biển Ngà đang đẩy đất nước này đến cuộc nội chiến.

Cùng ngày, cảnh sát Pháp cho biết lực lượng ủng hộ ông Oatara đã kiểm soát một cách hòa bình Đại sứ quán Bờ Biển Ngà ở Paris sau khi những người trung thành với ông Gbagbo rời khỏi đây. Diễn biến trên xảy ra sau khi Paris tuyên bố công nhận các đại diện của ông Oatara thay vì những phái viên ngoại giao của ông Gbagbo. Truyền hình Pháp đưa tin ông Oatara đã bổ nhiệm một đại sứ mới tối 27-12.

  • Nguồn gốc xung đột

Vì sao cộng đồng quốc tế quan tâm đến tình hình Bờ Biển Ngà và Tổng thống Laurent Gbagbo? Ông Laurent Gbagbo lên nắm quyền trong cuộc bầu cử có kết quả tương tự như lần này vào năm 2000. Khi đó, người lãnh đạo đất nước là Robert Guéi chỉ chọn Laurent Gbagbo làm ứng cử viên đối lập vì biết chắc ông này ít người biết đến và gạt bỏ ông Ouattera cùng một ứng cử viên khác.

Robert Guéi tuyên bố chiến thắng và nhậm chức ngày 22-10-2000 nhưng Laurent Gbagbo cũng tuyên bố chiến thắng và đã kích động cuộc nổi loạn, buộc ông Robert Guéi phải lưu vong.

Hai năm sau, một cuộc đảo chính lật đổ ông Laurent Gbagbo thất bại. Tuy vậy lực lượng đảo chính cũng chiếm giữ và kiểm soát miền Bắc và miền Trung nước này, trong khi ông Laurent Gbagbo kiểm soát miền Nam. Nội chiến bùng nổ với các hiệp ước hòa bình được ký rồi bị phá vỡ liên tục.

Nước Pháp bị dư luận Bờ Biển Ngà chỉ trích là đã ủng hộ phe nổi dậy. Năm 2007, nội chiến chấm dứt sau khi Laurent Gbagbo bổ nhiệm người của phe nổi dậy làm thủ tướng và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2008 nhưng cuộc bầu cử bị hoãn lại không rõ lý do cho đến tháng 11 năm nay.

Vấn đề của tình hình bất ổn nằm ở chỗ Hiến pháp Bờ Biển Ngà ghi rõ tổng thống không được làm việc quá hai nhiệm kỳ nhưng không nói rằng không quá 10 năm. Ông Gbagbo đã nắm giữ chức tổng thống vượt quá nhiệm kỳ đến 5 năm.

Năm 2005, Liên minh châu Phi đã ra nghị quyết chỉ đồng ý để ông Gbagbo kéo dài nhiệm kỳ thêm 1 năm, tức đến năm 2006, nhưng do trong những năm nội chiến, đất nước không thể tổ chức bầu cử tổng thống và bản thân vị tổng thống này cũng trì hoãn bầu cử. Vì vậy, cộng đồng quốc tế khẳng định thời gian tại nhiệm của ông đã hai nhiệm kỳ, còn ông Gbagbo khẳng định ông mới làm việc có một nhiệm kỳ theo Hiến pháp Bờ Biển Ngà.

Các nước phương Tây đặc biệt quan tâm đến đất nước xinh đẹp này còn vì một vấn đề: những viên kim cương sáng giá. Bờ Biển Ngà ngày nay được biết đến là quốc gia có nguồn dự trữ kim cương thô lớn nhất thế giới.

Nếu nội chiến xảy ra, những viên kim cương sáng rực kia sẽ là nguồn cung tài chính khổng lồ cho các phe phái và nó sẽ bị gắn mác “kim cương máu”. Và như vậy các công ty khai thác kim cương thế giới sẽ mất đi nguồn cung khổng lồ từ đất nước này do cộng đồng quốc tế cấm kinh doanh “kim cương máu”. 

VIỆT KHOA - NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục