
Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum vừa mở phiên xét xử công khai vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và tuyên án 2-4 năm tù giam đối với 3 bị cáo A Nhửi, A Mích, A Ước.
Vẽ ra “miền đất hứa”...
Sau hai vụ tổ chức gây bạo loạn không thành ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch đội lốt một số “tổ chức quốc tế” đang hoạt động ở Đông Bắc Campuchia chuyển sang tuyên truyền kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên. Bộ đội Biên phòng Kon Tum nhận định: Mục đích của các “tổ chức quốc tế” muốn thông qua chuyện vượt biên, sẽ gây mất ổn định trong khu vực, tạo hình ảnh xấu về Việt Nam đồng thời lôi kéo lực lượng cho tổ chức phản động Fulro Đề Ga ở hải ngoại.
Một trinh sát nội biên của Biên phòng Kon Tum kể: “Qua tên Ksor Kớt, một số người đang định cư tại nước ngoài đã gửi tiền về cho thân nhân trong làng Rắc, xã IaXia, huyện Sa Thầy. Mục đích của Ksor Kớt là vẽ ra viễn cảnh “miền đất hứa”, còn đồng bào thì nhẹ dạ cả tin. Thực chất chỉ có vài hộ gia đình nhận tiền gửi về từ nước ngoài nhưng các “loa tuyên truyền” trong làng Rắc thì phát đi khắp nơi. Qua điện thoại di động, cơ quan chức năng còn thấy rõ bọn chóp bu chỉ đạo cách thức tuyên truyền sao cho hiệu quả để bà con tin theo”.
Tài liệu trinh sát ngoại biên cho thấy: “Tại Campuchia, sau khi móc nối được người sắp vượt biên, sẽ có nhân viên “tổ chức quốc tế” về tận các làng để giao ước, tạo sự tin tưởng. Sau đó các tổ chức này sẽ… đón người vượt biên ngay khi họ sang được đất Campuchia”.
Ngày 16-8-2007, Công an huyện Sa Thầy đã báo với Biên phòng Kon Tum: “Có 45 người thuộc các xã IaXia, Sa Bình, thị trấn Sa Thầy mất tích bí ẩn”.
Đến ngày 23-8-2007, tổ chức Tin Lành EMU (trụ sở đặt tại thị xã Lung Bung, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) đã cử 2 nhân viên xuống các làng gặp một số đối tượng. Trinh sát xác định: dấu hiệu tổ chức vượt biên và đón tiếp người vượt biên đã rõ!

Tuần tra bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng của chiến sĩ biên phòng.
Đón đầu... người nhẹ dạ
Núi rừng Tây Nguyên phía Tây Trường Sơn đã vào mùa mưa. Nước sông Sa Thầy dâng cao theo từng đợt, mưa rả rít làm sóng cuồn cuộn. Trong màn mưa lạnh trắng toát, bóng dáng hai người đi rừng xuất hiện men theo suối ra bờ sông.
Bị biên phòng chặn lại, họ cho biết đang đi rừng và còn xin thuốc lá để hút. Theo chân hai người đàn ông ra đến bờ sông, trinh sát bị mất dấu. Tuy nhiên, một mũi khác lại phát hiện ra nhiều bao nylon dùng làm phao bơi bỏ lại bên bờ Tây.
Không nao núng, các chiến sĩ biên phòng dùng dây thừng cột ngang lưng, vượt ngang dòng nước xiết đuổi theo đoàn người vượt biên. Trong lòng những người lính luôn trăn trở trước thảm cảnh những đồng bào bị lừa mị phải chịu đói rét giữa rừng, bị hất hủi trong trại tỵ nạn nếu không làm đúng ý đồ của “tổ chức quốc tế” nên bước chân các anh càng nhanh hơn.
Còn trong lòng những người nhẹ dạ, viễn cảnh màu hồng được vẽ ra càng thôi thúc họ bước tới, bỏ lại sau lưng bản làng và nương rẫy cha ông! Họ không hiểu rằng, chỉ ở Tổ quốc mới có được hạnh phúc thật sự, dù chỉ đơn sơ là một ghè rượu bên bếp lửa hồng.
Sau tán cây rừng rậm rạp, những đôi mắt của các chiến sĩ vẫn cứ mở to, mặc cho mưa rừng lạnh ngắt thấm da thịt, cái đói cồn cào trong cơ thể người chiến sĩ bị át đi bởi nỗi lo đồng bào mình bị dụ dỗ. Họ cầm chắc tay súng, chậm chạp nhai lương khô, chờ đợi!
Vạch mặt... “cái bụng nó xấu”
8 giờ sáng 25-8-2007, đoàn vượt biên trong bộ dạng tả tơi vì đói, vì gai rừng xé nát quần áo… xuất hiện. Một tiếng hô dõng dạc: “Tất cả đứng yên!” khiến đoàn người sững sờ. 22 nam, 3 nữ khóc mếu máo đưa tay cao quá đầu vì những tưởng sẽ bị ở tù, bị đòn roi nhục hình… Mãi đến khi tất cả được đưa về Đồn Biên phòng 713, được ăn cơm nóng, thay đồ sạch sẽ, được giải thích rõ ràng… họ mới hoàn hồn “cảm ơn bộ đội cái bụng nó tốt”.
Đến 14 giờ cùng ngày, Đồn Biên phòng 713 giữ lại thêm 5 người vượt biên. Tất cả đều được đưa trở lại làng cũ. Rồi đúng 1 ngày sau, Đồn Biên phòng 703 tạm giữ thêm 4 người. Bộ dạng của người bị tạm giữ và người tạm giữ đều giống nhau vì ai cũng nhịn đói, chịu lạnh, bị cây rừng cào xước tả tơi. Lực lượng biên phòng cũng thu giữ 9 triệu đồng, 1 máy ảnh, 4 cuộn phim, 1 quyển sổ ghi các số điện thoại lạ.
Khai thác từ những người vượt biên, Bộ đội Biên phòng Kon Tum bắt được A Nhửi, A Mích, A Ước đều là dân làng Rắc, từng tổ chức vượt biên không thành vào năm 2004. Các đối tượng trên khai nhận chúng tổ chức gom dân theo lời kêu gọi và cho tiền của các “tổ chức quốc tế”.
Sau khi gom đủ người, chúng tổ chức cho dân cầu kinh rồi bắt dân học thuộc lòng câu: “Tự nguyện ra đi vì cuộc sống ấm no”. Lộ trình đi xuất phát từ làng, băng rừng sang bến đò Mít Chép (Gia Lai) rồi vòng lên sau lưng các đồn biên phòng Kon Tum, sau đó vượt sông Sa Thầy rồi qua Campuchia. Phía bên kia đã có cơ sở ngầm của tổ chức… đến đón.
Ngày 31-8-2007, sau khi nhận chuyển giao từ BCH Bộ đội Biên phòng Kon Tum, Cơ quan An ninh điều tra Công an Kon Tum đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can A Nhửi, A Mích, A Ước. Ngày tòa tuyên án họ, đã nghe thấy dân làng kháo nhau về các bị cáo, rằng: “Cái bụng nó xấu”…
MINH ANH