Thông tin này nêu rõ, trong chuyến công tác thăm và làm việc với nhiều cơ quan giáo dục của Phần Lan của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã hội đàm với Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Phần Lan. Hai bên đã trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, dự án về khởi nghiệp...
Thông tin này ngay sau đó đã hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi bàn tới tất cả các vấn đề xoay quanh việc nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan.
Dư luận thực sự đã rất chờ đợi phản hồi của Bộ GD-ĐT về việc có hay không việc nhập khẩu này?
Sáng nay, 8-9, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đã có thông tin trả lời báo chí về vấn đề này.
Vẫn theo ông Vang, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình xây dựng chương trình thì việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết. Các nước Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan có nền giáo dục tiên tiến và là những nước không chỉ có ta học tập mà có nhiều nước khác đã đến, học tập nền giáo dục của nước bạn.
Trong bài trả lời báo chí gửi chung cho tất cả các báo này, ông Nguyễn Xuân Vang cũng nhắc lại nội dung chuyến đi của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của ngành giáo dục có chuyến công du Bắc Âu để thúc đẩy hợp tác về GD-ĐT.
Nói về một số yếu tố làm nên thành công của Phần Lan trong đổi mới giáo dục, ông Nguyễn Xuân Vang cho hay, thời gian gần đây, Phần Lan được biết đến với những thành công nổi bật về giáo dục phổ thông. Trong kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng, Phần Lan luôn đứng thứ hạng cao. Đã có hàng trăm đoàn tham quan từ các nước trên thế giới cùng nhiều chương trình, bài báo giới thiệu về những ưu việt của nền giáo dục nước này. Phần Lan có một hệ thống giáo dục bình đẳng, công bằng, giúp học sinh phát huy hết năng lực của từng cá nhân để sau này hoà nhập dễ dàng với cuộc sống.
Yếu tố đầu tiên và then chốt góp phần vào thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên. Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo viên, xã hội kính trọng thực sự đối với nghề giáo, giáo viên lương không phải cao nhất nhưng được tôn trọng nhất. Việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắt khe, tỉ lệ chọi là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được đi dạy. Giáo viên rất tự hào về nghề nghiệp của mình và họ được đào tạo bài bản để biết cách khơi dậy tiềm năng của từng cá nhân học sinh.
Yếu tố thứ hai là đầu tư của nhà nước, Phần Lan chi mạnh cho giáo dục.
Yếu tố thứ 3 là những người liên quan như phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục, chính phủ, báo chí … đều ủng hộ giáo dục một cách tích cực, xây dựng.
Từ đó, theo ông Vang, giáo dục Phần Lan có rất nhiều điều mà ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh…, nhưng việc ta có áp dụng được những điều mà Phần Lan đang làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
“Ta có thể tham khảo chương trình giáo dục của Phần Lan để chọn những gì phù hợp với Việt Nam để áp dụng đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang xây dựng. Trong quá trình xây dựng chương trình thì việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết”, ông Vang cho hay.
Vẫn theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, sau chuyến công tác của Bộ trưởng, Bộ DG-ĐT sẽ có nhiều việc phải làm trong đó có việc nghiên cứu kỹ thông tin tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nước về giáo dục của Phần Lan, việc áp dụng chưa thành công tại Indonesia và Thái Lan… sau đó thì mới có thể nói được ta sẽ tham khảo, áp dụng được gì. “Chứ bây giờ còn quá sớm đến khẳng định điều gì”, ông Vang chốt lại.