An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng được xã hội quan tâm, trong đó, kiểm soát động vật và sản phẩm động vật từ chăn nuôi đến giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ là những yêu cầu đặt ra trong việc quản lý. Vì thế, Luật Thú y dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua thời gian tới đang được nhiều người quan tâm.
Mô hình chưa được nhân rộng
Cuối năm 2003, đầu năm 2004, dịch cúm gia cầm hoành hành cả nước. Gia cầm bị tiêu hủy để tránh lây lan. TPHCM trở thành địa phương đi đầu trong việc tổ chức lại chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và phân phối. Theo đó, để giải quyết tình trạng giết mổ lậu, không đảm bảo vệ sinh, việc giết mổ tập trung và phải treo (không nằm dưới đất). Gia súc, gia cầm từ các tỉnh khi đưa vào TPHCM phải theo hướng dẫn để vào những lò giết mổ hợp pháp như khu giết mổ gia cầm tập trung An Nhơn (Gò Vấp) và vận chuyển trên xe chuyên dùng đến chợ đầu mối; các điểm kinh doanh phải đảm bảo quy cách. Với trứng gia cầm phải được kiểm dịch, khử trùng, đóng hộp theo quy cách…
Cách làm của TPHCM được Bộ NN-PTNT ủng hộ và khuyến khích các địa phương cùng làm. Nhưng đến nay, hầu như chỉ những tỉnh quanh TPHCM như Long An hay vùng Đông Nam bộ làm khá tốt. Còn lại, khi cúm gia cầm qua đi, các loại dịch bệnh trên động vật lắng xuống, mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Nuôi gà lấy trứng trong chuồng lạnh của Công ty TNHH Ba Huân tại Bình Dương.
Tại buổi làm việc giữa các đại biểu Quốc hội TPHCM với doanh nghiệp TPHCM và Bình Dương, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, đáp lại lời kêu gọi của TP về đảm bảo an toàn thực phẩm, Công ty Ba Huân nhập khẩu dây chuyền xử lý và khử trùng trứng của Hà Lan. Nhờ đó, người dân TPHCM và nhiều tỉnh, thành quen dần với “trứng sạch”, được làm vệ sinh, diệt khuẩn và phủ lớp dầu bảo vệ, đựng trong hộp (thay vì trên các khay chồng lên, vỏ trứng còn dính bùn đất, rơm). Với cách làm này, TPHCM cơ bản hình thành hệ thống kiểm soát, kiểm dịch nguồn gốc động vật, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vận chuyển động vật từ địa phương khác vào để giết mổ trái phép, hay sản phẩm động vật ôi thiu… Nhờ đó, giúp đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn gia súc cũng như ATVSTP cho người tiêu dùng. Thời gian qua, mỗi năm Chi cục Thú y TPHCM phát hiện, xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm vận chuyển nội tỉnh giết mổ trái phép, động vật mang mầm bệnh, vi phạm sản xuất kinh doanh sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y. TPHCM còn phối hợp, hỗ trợ thú y những tỉnh có nguồn gốc hay sản phẩm động vật cung cấp cho TP thực hiện tốt việc kiểm dịch từ gốc và tập trung giết mổ động vật. Điều này giải thích vì sao khu vực TPHCM với các tỉnh lân cận có nhiều cơ sở giết mổ tập trung cao nhất nước, gần 95%. Dù chưa thể nói hoàn chỉnh nhưng nhờ việc này mà vấn đề ATVSTP thịt động vật và trứng gia cầm cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, mô hình của TPHCM chỉ nhân rộng một số địa phương quanh TP.
Cần có lộ trình
Dự thảo Luật Thú y, dự kiến đưa ra bàn vào kỳ họp tới của Quốc hội, trong đó có quy định gây băn khoăn, với mong muốn hạn chế phiền hà cho người chăn nuôi và kinh doanh, việc bỏ quy định kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh được đưa vào dự luật. Khi đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với các ngành tìm hiểu về quy định này, bà Phạm Thị Huân băn khoăn, trong bối cảnh việc quản lý từ chăn nuôi đến bàn ăn chưa được kiểm soát ở nhiều tỉnh thành, nếu điều này xảy ra, những DN làm ăn chân chính sẽ “chết đứng”. Sản phẩm động vật hay trứng gia cầm đảm bảo ATVSTP không thể cạnh tranh lại với nguồn hàng trôi nổi trên thị trường.
Luật An toàn thực phẩm quy định: Hàng tươi sống có nguồn gốc từ động vật phải truy xuất được nguồn gốc, có chứng nhận vệ sinh thú y (kiểm dịch). Chi cục Thú y TPHCM hiện đang phối hợp với nhiều ban ngành và địa phương kiểm tra nguồn gốc sản phẩm động vật tươi sống dùng làm nguyên liệu tại khoảng 500 cơ sở chế biến và 1.800 nhà hàng, quán ăn. Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi Cục phó Chi cục Thú y TP, nếu bỏ quy định kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh thì việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu dùng chế biến thực phẩm tại các cơ sở này không thực hiện được, không thể truy xuất nguồn gốc. Càng không kiểm soát được toàn bộ động vật, sản phẩm động vật trên thị trường từ các tỉnh, nhất là hàng đông lạnh nhập khẩu. Hàng hết hạn hoặc cận date sẽ rã đông, thay đổi bao bì gốc hay bán dưới dạng sản phẩm động vật tươi. Việc vi phạm trong kinh doanh sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu sẽ trở lại như trước.
Chỉ một số ít gia súc vận chuyển có bấm thẻ tai để nhận diện, còn lại là vận chuyển không có thông tin để truy xuất nguồn gốc do 65%-70% nuôi nhỏ lẻ. Việc nuôi, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật này bằng phương tiện thô sơ hay xe khách, tránh sự kiểm dịch là những nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan. Các cơ sở sản xuất,hộ kinh doanh nhỏ lẻ chiếm đa số, hầu hết sản phẩm động vận được vận chuyển, kinh doanh không bao gói và nhãn hàng hóa, trong điều kiện chưa có quy định việc đánh dấu, lưu trữ thông tin về động vật, sản phẩm động vật trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật để truy xuất nguồn gốc, khi phát hiện lô hàng động vật hay sản phẩm động vật vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, thú y không có cơ sở kiểm tra do không thể phân biệt trong hay ngoài TP. Nếu sản phẩm động vật giết mổ trái phép, việc kiểm soát nguồn gốc bị vô hiệu. Khi dịch bệnh phát sinh không thể kiểm soát, những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh bị ảnh hưởng.
Nếu bỏ điều này sẽ gây xáo trộn trong quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, TPHCM bị phá vỡ hệ thống quản lý phải cần nhiều thời gian và công sức mới hình thành.Việc bãi bỏ quy định kiểm dịch chỉ phù hợp khi trình độ chăn nuôi phát triển, khép kín từ khâu nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ như các nước. Các DN sản xuất khép kín, đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc, chịu trách nhiệm sản phẩm, trình độ quản lý 63 tỉnh, thành được nâng lên đồng bộ, mới đảm bảo việc kiểm soát ATVSTP. Trong bối cảnh như vậy, cần có lộ trình khi triển khai quy định này.
CÔNG PHIÊN