Bộ máy cồng kềnh tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực

* Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 21-3

* Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 21-3

Đó là một trong những nhận định quan trọng của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội qua thẩm tra sơ bộ báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các báo cáo và báo cáo thẩm tra sơ bộ này là những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến ngày 24-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 46 của UBTVQH.

Đã thực hiện được những mục tiêu tổng quát

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn lại 5 năm qua mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra 7 điểm còn hạn chế, như việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập. Đáng lưu ý, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, đẩy lùi”.

Về những nguyên nhân dẫn đến yếu kém trên, báo cáo nhận định, công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế. Việc quán triệt và thể chế hóa thành luật pháp trong nhiều trường hợp còn chậm, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao. Công tác tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được chú trọng đúng mức nên cơ chế, chính sách chậm đi vào cuộc sống hoặc không phát huy được hiệu quả. Chưa làm thật tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế. Khả năng phân tích, dự báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu trước tình hình quốc tế biến động rất nhanh, phức tạp.

Lo ngại tình trạng chi phí “gầm bàn”

Đại diện Thường trực cơ quan thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhận định, với yêu cầu đánh giá toàn bộ nhiệm kỳ công tác nên báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở được từng bước kiện toàn; nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được loại bỏ. Tuy nhiên, đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin - cho”. “Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội”, ông Phan Trung Lý cảnh báo.

Ghi nhận nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có việc ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, song cơ quan thẩm tra vẫn cho rằng báo cáo “chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn”. Theo đó, tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tỏ ra hết sức lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay không chỉ chững lại, mà tỷ lệ đóng góp vào GDP còn sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực xã hội. Đáng lưu ý, theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, tình trạng “chi phí gầm bàn” đang làm xói mòn nguồn lực của doanh nghiệp và khiến cho xã hội rất bức xúc. “Năm 2011 có 54.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 có tới hơn 71.000 doanh nghiệp dừng hoạt động là chuyện tất yếu của kinh tế thị trường hay là do chính sách chưa theo kịp nhịp sống của nền kinh tế. Một số tờ báo thông tin doanh nghiệp Nhật nói sợ nhất chi phí “gầm bàn”, như thế làm sao thu hút được nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Giàu trăn trở. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì đề nghị báo cáo cần đánh giá rõ thêm về hiệu quả của chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, xây dựng mối liên kết giữa ngư dân với các lực lượng trên biển, vì đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm. Trong khi đó, một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ cần phải giải quyết ngay trong nhiệm kỳ tới, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước là thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, nhưng tình trạng nghèo cùng cực vẫn còn. “Hàng năm Nhà nước vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo để cứu đói”, ông Ksor Phước nhấn mạnh. Tham dự phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp thu và nỗ lực cao để giải quyết những bất cập này trong nhiệm kỳ tới.

ANH THƯ


Nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện nghiêm

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, với vị thế là cơ quan chuyên môn kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước…

Tuy vậy, công tác của KTNN nhiệm kỳ 2011 - 2015 vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế. Đó là một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với thực tế, còn chồng chéo. Quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm. Đặc biệt, chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN hàng năm chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 là 69,1%, năm 2011 là 71,6%, năm 2012 là 65%, năm 2013 là 63,1%; sửa đổi, bổ sung thay thế 146/360 văn bản. Một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.


Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 21-3


Báo cáo tại phiên họp UBTVQH về tình hình chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 16 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-3 và dự kiến bế mạc vào ngày 9-4-2016. Mặc dù đây là kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, nhưng vẫn sẽ có 7 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong số này hiện còn dự án Luật Biểu tình chưa được UBTVQH cho ý kiến, do Chính phủ chưa chính thức trình.

Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong chương trình kỳ họp dự kiến bố trí 3,5 ngày thảo luận ở tổ và hội trường về các báo cáo tổng kết của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát). Trong khi đó, do thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016 chưa nhiều nên tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ tập trung xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, quyết định các kế hoạch liên quan đến kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020. Các báo cáo này đang trong quá trình hoàn tất việc chuẩn bị, dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 46 (tháng 3 tới).

Tin cùng chuyên mục