Ngày 19-7 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ có cuộc biểu quyết về dự thảo nghị quyết của phương Tây kêu gọi trừng phạt Syria. Nga và Trung Quốc lần thứ ba trong 9 tháng qua tiếp tục dùng quyền phủ quyết để khước từ nghị quyết vốn được cho sẽ mở đường áp đặt hành động quân sự lên Syria dựa theo Chương VII của Hiến chương LHQ.
LHQ kêu gọi có động thái mạnh mẽ với Syria
Tại cuộc bỏ phiếu, 11 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, hai thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Đại sứ Anh tại LHQ cho rằng quyết định phủ quyết của Nga và Trung Quốc đã gây sốc. Trong khi đó, theo đại diện Pháp, quyết định này sẽ đe dọa kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan.
AFP đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-7 quyết định gia tăng trừng phạt của khối này với Syria bằng cách phong tỏa thêm tài khoản của 26 cá nhân, 2 - 3 công ty có quan hệ thân thiết với ông Assad. Trước đó, số cá nhân trong “danh sách đen” này 149 người trong khi số thực tế chỉ 49.
Trong khi đó, ngày 19-7, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ảrập (AL) về Syria Kofi Annan đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) có hành động mạnh mẽ đối với xung đột chính trị tại Syria. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải có động thái cực kỳ khẩn cấp để buộc chính phủ và các phe đối lập tại Syria chấm dứt bạo lực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng cộng đồng quốc tế phải đặt sức ép lớn nhất để buộc ông Assad từ chức, chấp nhận chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Trước đó, ngày 18-7, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị giáng một đòn mạnh khi mất đến 3 nhân vật cấp cao trong một vụ đánh bom tự sát tại trụ sở Cơ quan an ninh quốc gia ở thủ đô Damascus, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajiha. Giới truyền thông vẫn chưa có thông tin gì về ông Bashar al-Assad sau vụ đánh bom. Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng chính quyền ông Assad đang bất lực trong việc kiểm soát tình hình. Ngày 19-7, phe nổi dậy đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom này, đồng thời đe dọa sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công tương tự, tiến đến đặt dấu chấm hết đối với chính quyền Tổng thống Assad. Sau vụ việc, lực lượng Mỹ trong khu vực, Israel, Jordan, Saudi Arabia, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao do lo ngại về những phản ứng của chính quyền ông Assad.
Tôn trọng chủ quyền Syria
Theo hãng thông tấn SANA của Syria, chính quyền ông Assad cho rằng vụ đánh bom khủng bố diễn ra khi các bộ trưởng và nhiều quan chức an ninh cấp cao Syria nhóm họp là bằng chứng cho thấy sự leo thang của hành vi tay sai, ám chỉ sự can thiệp của nước ngoài.
Trong cuộc hội đàm về tình hình Syria tối 18-7 ở Mátxcơva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Redzhep Taiip Erdogan, hai bên thống nhất ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Syria và cho rằng nên để nhân dân nước này tự quyết định tương lai của mình. Đồng thời, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận giải pháp hòa bình do Nhóm hành động quốc tế về Syria thông qua tại Geneve. Trước hết đòi các bên xung đột tại Syria chấm dứt ngay bạo lực và đối thoại chính trị nhằm thỏa thuận các biện pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Như Quỳnh