* Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu tiếp tục bị cảnh báo về an toàn thực phẩm
(SGGP).- Ngày 16-11, Bộ NN-PTNT đã ban thành thông tư quy định danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã bổ sung chất Vat Yellow 1, Vat Yellow 2, Vat Yellow 3 và Vat Yellow 4 (còn được gọi là vàng ô) vào danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ra còn có chất Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm cũng nằm trong danh mục cấm sử dụng.
Trước đó, vào ngày 12-11, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN-PTNT, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Cục Chăn nuôi đã bất ngờ thanh tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (trụ sở tại Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương) có sử dụng chất vàng ô. Tại hiện trường xưởng sản xuất, đoàn kiểm tra đã tịch thu và niêm phong 14kg chất vàng ô được doanh nghiệp sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Đoàn kiểm tra đã niêm phong, lập biên bản vi phạm đối với doanh nghiệp và lấy mẫu sản phẩm để phục vụ quá trình kiểm tra thành phần chất cấm Salbutamol nếu có.
Ngày 16-11, Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng đã công bố kết quả kiểm tra 8 mẫu thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú, cả 8 mẫu đều có chất tạo nạc salbutamol vượt ngưỡng cho phép, thậm chí có mẫu còn vượt hơn 3.700 lần. Thanh tra Bộ NN-PTNT đã tiến hành niêm phong hơn 1 tấn thức ăn chăn nuôi của công ty và công bố quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này vì hành vi sử dụng chất vàng ô trong thức ăn chăn nuôi.
Cùng ngày, Bộ NN-PTNT cũng tổ chức một đoàn công tác kiểm tra tại Công ty TNHH Việt Nhật (Hưng Yên), đã phát hiện có 2 thùng chất màu công nghiệp đang dùng dở. Đoàn đã tiến hành niêm phong và lập biên bản để tiếp tục làm rõ.
° Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ NN- PTNT), hiện đã có tới 25 doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Theo đó, các mặt hàng bị cảnh báo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị... Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng phần lớn là Enrofloxacin, Chloramphenicol, Furazolidone và Oxytetracycline.
Trước tình hình này, Nafiqad cùng một số đơn vị như Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y đã làm việc với các địa phương cũng như đại diện doanh nghiệp, yêu cầu các đơn vị liên quan có kế hoạch cải thiện tồn dư kháng sinh trong thủy sản nói chung và hàng thủy sản xuất khẩu nói riêng.
PHÚC HẬU - PHAN THỊ