(SGGP).- Chiều 12-11, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó có 7 nhóm vấn đề được sửa đổi bổ sung gồm: thẩm quyền của tòa án; về người tham gia tố tụng dân sự và những người tham gia tố tụng khác; sửa đổi về thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm; phúc thẩm; bổ sung thủ tục xét lại bản án; bãi bỏ các quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án...
Dự kiến, dự thảo này sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, tháng 3-2011.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề của dự thảo luật có ý kiến khác nhau như: kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự; hội đồng định giá; thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót...
Về xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, thực tiễn xét xử cho thấy thời gian qua có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai, hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, đương sự bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán. Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định tại các Điều 295a , 295b, 309a và Điều 309b của dự thảo luật.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trước Quốc hội. Theo đó, luật tập trung sửa đổi các điều liên quan đến quyền, nghĩa vụ của thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức quản lý hợp tác xã; về giá trị của khối lượng sản phẩm, dịch vụ xã viên phải sử dụng; mức vốn góp tối đa của một thành viên; đối tượng tham gia, mức ưu đãi…
Dự kiến dự án Luật Hợp tác xã sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
A. THƯ
Thận trọng với xã hội hóa công tác lưu trữ Sáng 12-11, các đại biểu QH đã góp ý về dự thảo Luật Lưu trữ. Dự luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này gồm 6 chương, 44 điều. “Luật cần hướng tới việc xây dựng một hệ thống lưu trữ thống nhất trong cả nước, không phân biệt là cơ quan Đảng hay cơ quan Nhà nước”, ĐB Hòa nói. ĐB Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm thận trọng đối với chủ trương xã hội hóa công tác lưu trữ. Doanh nghiệp tham gia thì phải đặt lợi ích lên cao nhất, song giá trị của nhiều tài liệu lưu trữ không thể tính được bằng tiền. ĐB đề nghị xác định rõ hơn trong luật những lĩnh vực nào cần được xã hội hóa, những lĩnh vực nào Nhà nước phải quản lý và quy định cụ thể điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động này; nhằm bảo đảm tài liệu lưu trữ được thu thập, bảo quản an toàn, tránh thất thoát. |