Bổ sung nguyên tắc xác định lương tối thiểu

* Thêm một ngày nghỉ Tết Âm lịch(SGGP).- Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về giải quyết tranh chấp lao động trong dự thảo đã được sắp xếp, chỉnh lý, quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các chủ thể chịu trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành đình công, giải quyết đình công…

* Thêm một ngày nghỉ Tết Âm lịch

(SGGP).- Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về giải quyết tranh chấp lao động trong dự thảo đã được sắp xếp, chỉnh lý, quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các chủ thể chịu trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành đình công, giải quyết đình công…

Dự thảo bộ luật đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ (được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ). Dự thảo bộ luật cũng đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo hai nhóm yếu tố, đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Về thời giờ làm thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành phương án giữ nguyên quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Về một số chính sách đối với lao động nữ, trong đó có thời gian nghỉ thai sản, UBTVQH đề nghị quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Đối với việc nghỉ Tết Âm lịch, theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội đã được điều chỉnh để tăng quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày.

Đa số ý kiến tại phiên họp bày tỏ đồng tình với hầu hết các phương án lựa chọn của UBTVQH. Mở màn cho các ý kiến phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích thêm: “Hợp đồng lao động thiết lập thời hạn quá dài cũng bất lợi cho người lao động, vì hạn chế cơ hội để họ tìm kiếm công việc mới với đãi ngộ tốt hơn, nhất là trong điều kiện thị trường lao động hiện nay biến động thường xuyên, liên tục”.

Chia sẻ quan điểm của đại biểu Tuyết, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng ủng hộ phương án xác định thời gian tối đa của hợp đồng lao động là 36 tháng với lý do: “Dự thảo bộ luật đã thiết kế những điều khoản bảo vệ được người lao động nếu họ muốn tiếp tục làm việc lâu dài, chẳng hạn như sau hai lần ký hợp đồng xác định thời hạn thì hợp đồng lần thứ 3 là không thời hạn”… Về tuổi nghỉ hưu, ông Hoàng lưu ý rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. “Tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng không quá 5 năm đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý là hợp lý”, ông Hoàng nói.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) băn khoăn, do nghỉ hưu trước 5 năm, nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ bị hạn chế. “Nên chăng có quy định nam 3 năm tăng một bậc lương, nữ 2,5 năm tăng một bậc lương. Về lâu dài, tôi cho rằng nên quy định tuổi nghỉ hưu như nhau giữa nam và nữ, phù hợp với nội dung của Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)”, bà Minh phát biểu.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) yêu cầu bổ sung vào dự thảo bộ luật các quy định về hành vi xúc phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động, có nguyên nhân từ sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo bộ luật cần quy định rõ những cơ sở để Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu khi thấy cần thiết…

Dự kiến, chiều 18-6 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, dù thống nhất với các điểm chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhưng một số ĐBQH tiếp tục có đóng góp ý kiến vào một số vấn đề để dự luật này khả thi trên thực tế, bảo đảm niềm tin và quyền lợi của người gửi tiền. Vấn đề được khá nhiều ĐBQH quan tâm trong dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi là mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay và giao NHNN Việt Nam quản lý nhà nước.

Cũng có một số ý kiến đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi do NHNN thành lập và quản lý nhà nước, trực thuộc cơ cấu, tổ chức của NHNN. Đây cũng là quan điểm của Chính phủ khi trình dự luật này ra Quốc hội. Do vấn đề này còn có ý kiến khác nhau, trong phiên họp hôm qua, UBTVQH trình Quốc hội với 2 phương án: giữ nguyên mô hình như hiện nay; đổi mới theo đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, UBTVQH đề xuất theo phương án 1 bởi về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính với hoạt động chuyên môn là hoạt động tài chính (bảo hiểm), có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của khá nhiều đại biểu.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, bảo hiểm tiền gửi là phải đảm bảo được niềm tin của người gửi tiền. Viện Nghiên cứu lập pháp, nơi ông Thảo làm việc từng tổ chức một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này. Kết quả cho thấy đa số người gửi tiền yên tâm về cơ quan bảo hiểm tiền gửi bởi có Chính phủ đứng ra bảo lãnh: “Vì thế, cần kế thừa mô hình hiện nay để bảo đảm niềm tin cho người gửi tiền”.

Một vấn đề khác được nhiều ĐBQH quan tâm là loại tiền gửi được bảo hiểm. Đa số ý kiến thảo luận đều nhất trí với quy định chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng VND. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý có thể tạo ra cách hiểu không chính xác là nhà nước khuyến khích việc tích trữ ngoại tệ và kim loại quý. Điều này sẽ không nhất quán với chính sách quản lý ngoại hối. Hơn nữa, việc bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý sẽ tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự ổn định của giá trị đồng tiền, có thể gây xáo trộn thị trường tiền tệ, khó kiểm soát hiệu quả quá trình điều hành chính sách tiền tệ.

Thống nhất vấn đề này, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng thực tế hiện nay nhà nước vẫn cho phép người dân gửi ngoại tệ và vàng vào ngân hàng. Vì thế, nên chăng có thêm quy định các tổ chức nhận tiền gửi quy đổi giá trị ngoại tệ và vàng sang VND tại thời điểm gửi để vẫn có thể bảo hiểm được tiền gửi cho người dân. 

ANH THƯ - MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục