Bổ sung thêm điều luật về Thủ tướng Chính phủ

(SGGPO).- Trong phiên họp chiều nay, 20-1, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật Tổ chức Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định “cứng” số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ. Mặt khác, nếu quy định “cứng” số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho Dự thảo Luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, qua thảo luận, mặc dù có một số ý kiến đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật nhưng lại có nhiều ý kiến khác chưa hài lòng với giải thích này và đề nghị quy định cụ thể vào Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ quan điểm cho rằng, nếu không đưa vào, Luật sẽ rất “mờ”.

“Tổ chức của Chính phủ có những gì thì Luật này phải nêu rõ. Để đảm bảo sự linh hoạt thì có thể thêm khoản: việc bãi bỏ, thành lập mới các Bộ do Quốc hội quyết định. Như vậy vừa minh bạch, vừa linh hoạt. Nếu không thì nhân dân sẽ rất thắc mắc”, bà Tòng Thị Phóng nói.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bổ sung thêm một điều về Thủ tướng Chính phủ vào Dự thảo Luật; đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bám sát nội dung quy định tại Điều 98 của Hiến pháp.

Liên quan đến ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong Dự thảo về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc luật hóa chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và nhân dân. Việc báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, đề nghị được giữ như Dự thảo.

Tương tự, đối với người đứng đầu các cơ quan thuộc Chính phủ, tiếp thu một phần ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ hơn theo hướng khi cần thiết hoặc khi có vấn đề quan trọng phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải báo cáo nhân dân trên phương tiện thông tin đại chúng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục