(SGGP).- Ngày 11-10, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM do đồng chí Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì, đã có buổi tiếp xúc với các cử tri nguyên là cán bộ chủ chốt của TPHCM để lấy ý kiến góp ý cho các dự án luật và nghị quyết trình QH tại kỳ họp sắp tới.
Trong không khí dân chủ thẳng thắn, các cử tri đã góp ý về việc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ và tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đất nước. Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, chỉ rõ: “Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được ghi trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội từ lâu, song việc thực hiện còn chậm chạp, lúng túng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm phải làm thật sự nghiêm túc, khách quan để tìm ra những cán bộ có đức, có tài đứng ra phục vụ đất nước…”.
Tiếp lời, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, lưu ý: “Không nên “hành chính hóa” công tác bỏ phiếu tín nhiệm (tức là hàng năm bỏ phiếu đại trà cán bộ) mà nên bỏ phiếu những cán bộ “có vấn đề” đang gây bức xúc dư luận xã hội. Bức xúc về vấn đề nhà máy điện hạt nhân và tình trạng gây động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, đồng chí Phạm Chánh Trực kiến nghị: “QH không nên thông qua việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì sẽ gây hậu quả không thể khắc phục. Các nước trên thế giới đã ngưng xây dựng và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân thì ta nên học tập, tránh làm liều. Tại thủy điện Sông Tranh 2 không nên cho tích nước nữa vì sẽ gây hậu quả khó lường…”.
* Cùng ngày 11-10, đoàn đại biểu QH Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của QH về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo như việc chia các mức khác nhau để đánh giá tín nhiệm người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm…
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định lấy ý kiến tín nhiệm đối với cấp Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các ủy ban của QH vì quy định này rất khó thực hiện và có khi còn mang tính hình thức, vì nhiều vị là đại biểu kiêm nhiệm. Đối với Hội đồng nhân dân thì chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nghị quyết cũng cần bổ sung tiêu chí cụ thể để tránh việc bỏ phiếu theo cảm tính, cá nhân; đồng thời làm rõ các khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” và “lấy phiếu tín nhiệm” để tránh hiểu nhầm…
Minh Ngọc - Anh Thư