Trao đổi với báo chí về tình hình đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bằng mọi giá Chính phủ sẽ đưa toàn bộ người lao động về nước an toàn và không để họ bị đói trong thời gian chờ về nước.
Đảm bảo an toàn
- Phóng viên: Đến thời điểm này, Chính phủ có đặt vấn đề thuê máy bay quân sự đón lao động về nước hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Bây giờ tình hình ở Tripoli rất khó khăn, không máy bay nào đáp xuống được. Trước đây các nước thuê được vài chuyến bay quân sự, chúng ta cũng tính tới phương án đó, nhưng nay không thuê máy bay quân sự được nữa, chỉ thuê máy bay thương mại. Chủ yếu chúng ta sẽ đưa máy bay của mình sang và thuê tàu biển.
Hiện nay, toàn bộ số lao động đã đi qua được nước thứ 3 nên không phải lo về sự an toàn nữa, chỉ lo số còn kẹt lại ở Libya. Việc xảy ra ở Libya chưa phải chiến tranh, mà là đụng độ xảy ra giữa phe biểu tình chống đối với Chính phủ. Chúng ta chỉ lo việc di chuyển công dân có thể bị tên bay đạn lạc, chứ Chính phủ Libya vẫn để cho người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ.
- Trong hơn 10.000 lao động tại Libya, có trường hợp nào bị mất liên lạc?
Danh sách tất cả lao động làm việc tại Libya chúng ta nắm hết. Nhưng có thể có trường hợp mất liên lạc, vì có những lao động đi thành nhiều nhóm lẻ.
- Việc hỗ trợ lương thực giúp lao động ở nước thứ 3 được triển khai ra sao?
Chính phủ đã chỉ đạo sứ quán ta ở các nước có lao động đến ứng tiền để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho lao động. Ngay tại thời điểm này Chính phủ không đặt vấn đề ai chi, Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB và XH mà trước mắt, trong bối cảnh cấp bách này, các đại sứ phải ứng tiền, không để lao động mình bị đói. Tôi rất xúc động với tinh thần trách nhiệm của các đại sứ. Đại sứ ở Ai Cập mẹ qua đời nhưng không về được, nén nỗi đau để ở lại lo cho lao động. Vợ đại sứ phải tất bật gom từng ổ bánh mì ở sân bay, cửa hàng để mang đến giúp lao động ở biên giới cách xa tới 500km.
Hỗ trợ tối đa
- Việc cấp bách hiện nay là lo đưa lao động về. Nhưng với trên 10.000 lao động về nước, lại không có giấy tờ, liệu có bảo đảm an ninh?
Đó là nhiệm vụ Chính phủ đã giao Bộ Công an về việc tổ chức nhập cảnh khi lao động về. Bất cứ công dân Việt Nam nào tại Libya đều được đưa về. Nhưng đồng thời Bộ Công an tiến hành phân loại để tránh những phần tử xấu trà trộn.
- Thưa Bộ trưởng, sau niềm vui là nỗi lo của nhiều người với món nợ vay hàng chục triệu đồng. Hiện Chính phủ đã tính đến phương án hỗ trợ cụ thể chưa?
Lao động làm việc tại Libya theo quy định đi làm 3 năm phải nộp phí cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động 3 tháng lương. Lao động hưởng lương khoảng 5 triệu/tháng phải nộp cho doanh nghiệp 15 triệu đồng. Đó là quy định chung. Còn có thể có một số doanh nghiệp thu nhiều hơn. Cái đó trước mắt tôi nghĩ lao động về chưa thể có tiền trả. Vì vậy chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cho khoanh nợ ngân hàng đối với lao động về từ Libya, sau đó sẽ phân loại đối tượng để có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Ví dụ, người nào tiếp tục được đi làm, có thu nhập phải tiếp tục trả nợ ngân hàng, còn trường hợp nào khó khăn chúng tôi sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết.
- Khi chuyển lao động sang thị trường mới, sẽ hỗ trợ lao động như thế nào?
Chúng ta cố gắng hỗ trợ tối đa về chi phí đào tạo, thủ tục giấy tờ, xuất nhập cảnh; hỗ trợ về khoản tiền trả nợ ngân hàng. Riêng lao động nghèo, theo quy định hiện nay, họ không phải mất tiền khi đi xuất khẩu lao động. Còn lao động cận nghèo vẫn phải trả, nhưng chúng ta sẽ khoanh nợ.
Lao động ở Libya thu nhập mỗi tháng tương đương 5-6 triệu đồng, ăn ở chủ lo, được đối xử tốt, vì thế rất nhiều lao động mong muốn quay trở lại làm việc nếu tình hình Libya ổn định trở lại. Thị trường này, rất thuận lợi, chỉ trong vòng thời gian ngắn chúng ta đã tạo được công ăn việc làm cho 10.000 lao động nghèo gần như không có tay nghề. Tôi rất mong Libya sớm ổn định để lao động quay trở lại.
- Cảm ơn Bộ trưởng!
Còn 175 lao động Việt Nam ở Libya Tối 5-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tính đến 23 giờ 15 ngày 5-3, đã có 6.300 lao động Việt Nam tại Libya về nước. Hiện tại, chỉ còn 175 lao động Việt Nam kẹt trong lãnh thổ Libya. Trong đó, 61 người đã có xe đến đón và đang di chuyển đến biên giới Ai Cập. 114 người còn lại, tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thông báo đã liên lạc được và lên kế hoạch trợ giúp. Dự kiến, trong 2 ngày tới, số lao động này sẽ được đưa ra khỏi Libya. Ngoài ra, có 2.690 lao động Việt Nam hiện đang ở các nước lân cận Libya để được làm thủ tục đưa về nước, gồm: 650 lao động ở Thổ Nhĩ Kỳ; 1.600 lao động ở Tunisia; 292 lao động ở Algeria; gần 100 lao động ở Malta; 48 lao động ở Ai Cập. Đồng thời, đã có hơn 1.000 lao động đang về nước bằng đường biển, tàu đã rời cảng Benghazi sáng ngày 3-3 và sẽ cập cảng Hải Phòng trong thời gian tới. |
Lâm Nguyên
| |