Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sát cánh cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sát cánh cùng doanh nghiệp

Thủy sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp. Vì vậy thị trường thủy sản tăng hay giảm đều tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Do đó, người đứng đầu Bộ NN- PTNT, Bộ trưởng CAO ĐỨC PHÁT khẳng định với ĐTTC sẽ sát cánh cùng các doanh nghiệp thủy sản trong chỉ đạo, điều hành. Ông cho biết:

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sát cánh cùng doanh nghiệp ảnh 1
Phát triển nghề nuôi thủy sản - một thế mạnh của ĐBSCL. Ảnh: Cao Phong

Năm 2009 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức đặt ra nhưng chúng tôi tin cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sẽ vượt qua sóng gió để về đích bình yên. Có nhiều lý do tạo sự an tâm như bản lĩnh, kinh nghiệm thương trường quốc tế của đa số doanh nghiệp đã khá dầy sau những biến cố. Sự thích ứng thời cuộc tốt, nhanh nhạy và năng động đã tạo nên những lợi thế rõ rệt.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý được nâng cao, công nghệ chế biến của các nhà máy ngày càng hiện đại, sản xuất nhiều mặt hàng đa dạng, làm hài lòng các nhà nhập khẩu. Bằng chứng là thủy sản nước ta đã có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, các nước Đông Âu, Hàn Quốc, Nam Mỹ, Trung Đông…, là những thị trường lớn.

Sự khác biệt của doanh nghiệp thủy sản là càng khó khăn, càng bị dồn ép thì họ càng nỗ lực để bứt phá vươn lên. Chúng tôi đánh giá cao thành quả 4,5 tỷ USD xuất khẩu thủy sản thu về trong năm qua. đây là sự phấn đấu không mệt mỏi của doanh nghiệp, người dân và các ngành liên quan. 

Trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đều liên quan trực tiếp đến đông đảo tầng lớp nông dân. Nước ta là nước nông nghiệp vì vậy lo cho dân vẫn là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đằng sau kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, còn có ý nghĩa rất lớn vì chúng ta đã tạo được nhiều việc làm, hàng triệu gia đình có thu nhập, giúp ổn định dân sinh-xã hội.

Trong xuất khẩu nông thủy sản, dân là người được hưởng lợi trực tiếp nên các ngành chức năng luôn đặc biệt quan tâm. Ngoài ra thủy sản là một trong những mặt hàng đã đưa hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới.

Tiềm năng thủy sản của ta khá lớn nhưng nhìn lại nó vẫn chưa được phát huy tối đa thế mạnh là điều đáng trăn trở. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu dù tăng liên tục nhưng chưa đi vào bài bản do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tôi đơn cử như việc thống kê diện tích, sản lượng… lâu nay các ngành làm vẫn chưa chặt, dẫn đến lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu, gây thiệt hại chung.

Nhu cầu thị trường cũng vậy, có lúc chúng ta không bám sát khiến người nuôi và doanh nghiệp lúng túng. Bộ NN- PTNT đang phối hợp cùng các ngành liên quan định hình lại việc sản xuất phù hợp nhu cầu xuất khẩu. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những nhà máy chế biến không đạt tiêu chuẩn để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và giữ uy tín toàn ngành.

Chính phủ đã chỉ đạo dù bối cảnh chung có khó khăn nhưng phải giữ vững phát triển ngành thủy sản, trong đó cá tra, ba sa là lợi thế “số 1” cần tiếp tục phát huy. Thông điệp của Bộ NN- PTNT là sẽ sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Nếu doanh nghiệp nào gặp vướng mắc hoặc cần Bộ trưởng tham gia xúc tiến thương mại ở các nước, tôi sẵn sàng đi cùng.

Trong năm 2009, lãnh đạo Bộ NN- PTNT sẽ dành cụ thể các ngày 26 trong các tháng 3, 6, 9 và 12 để nghe doanh nghiệp thủy sản phản ánh về sản xuất-kinh doanh, xuất khẩu, cơ chế, chính sách… nhằm tiếp thu và giải quyết ngay những vấn đề trong phạm vi quyền hạn của mình, đồng thời kiến nghị Chính phủ những việc ngoài chức năng. Chúng tôi nỗ lực hết mình cùng doanh nghiệp để tăng tốc, đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam đi xa hơn.

Huỳnh Phú Trọng (ghi)
(SGGP ĐTTC)

Tin cùng chuyên mục