Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Phải minh bạch giá điện, xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Phải minh bạch giá điện, xăng dầu

Trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh) chia sẻ, kiểm soát giá cả là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, điện. Do vậy, cơ quan đầu tiên ông sẽ làm việc là Cục Quản lý giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói:

Nhiệm vụ đầu tiên của Bộ Tài chính là phải động viên hợp lý tất cả các nguồn lực của xã hội cho mục tiêu phát triển chung. Đặc biệt, phải huy động vốn cho các bứt phá chiến lược, vì chúng ta cần một số lượng vốn rất lớn trong 5 - 10 năm tới. Tiếp đến là phải phân bổ hợp lý các nguồn lực này. Cùng với đó là sử dụng nguồn vốn sao cho có hiệu quả cao nhất phục vụ các mục tiêu KT-XH. Việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất còn quan trọng hơn cả việc tạo ra nguồn thu.

Ngoài ra, chính sách tài chính quốc gia trong thời gian tới cũng phải luôn được tính toán chặt chẽ. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tài chính và cá nhân tôi sẽ phải ưu tiên và tập trung vào việc đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Một ưu tiên khác là phải kiểm soát chặt chẽ nợ công trên cơ sở nâng cao hiệu quả chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách, quản lý an toàn nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép, dứt khoát không để có tín hiệu xấu hoặc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra đối với Việt Nam. Còn trước mắt, chúng tôi quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát ở mức 17%, bảo đảm các cân đối vĩ mô, an sinh xã hội.

- PV: Kiểm soát giá đang là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo ông, minh bạch giá điện, giá xăng có làm được không?

- Bộ trưởng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Chủ trương của chúng ta là giá điện, giá xăng phải quản lý theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên sẽ tính tới thời điểm và liều lượng để phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tôi nhấn mạnh, phải kiểm soát giá điện, giá xăng trên cơ sở minh bạch được chi phí hình thành nên giá thành của điện, xăng.

Hiện nay áp lực để tăng giá điện đã giảm bớt. Báo cáo kiểm toán tài chính 2010 đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho thấy mức lỗ thật sự của ngành điện. Hiện chúng tôi đã yêu cầu EVN báo cáo để đánh giá lại mức lỗ lũy kế và chênh lệnh tỷ giá cho đến thời điểm 31-12-2011. Lỗ lũy kế của ngành điện hiện đã giảm đáng kể so với dự báo đưa ra đầu năm (từ mức trên 60.000 tỷ đồng còn 35.000 tỷ đồng). Mức lỗ của năm 2011 chắc chắn ít hơn 2010, vì năm nay nước về rất sớm, nhiều thủy điện đi vào vận hành chúng ta gần như không phải điều tiết về điện. Vì vậy, tuy vẫn còn lỗ, Nhà nước còn tiếp tục phải bù, nhưng áp lực lỗ đã giảm nhiều.

- Còn về giá xăng, thực chất của nó là gì, vì lâu nay chỉ thấy doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ để tăng giá bán, còn người dân không hề có thông tin?

- Tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, trong đó có Cục Quản lý giá, phối hợp với cơ quan kiểm toán để làm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh và chi phí giá thành của kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua, khi mà thông tin cho rằng thiếu minh bạch. Hiện nay, tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Kiểm toán Nhà nước hiện đang kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, lúc đó sẽ làm rõ lời lỗ của xăng dầu. Tóm lại là sẽ phải làm rõ câu chuyện của Petrolimex cũng như giá thành, chi phí, lãi lỗ của điện lực.

- Vậy thay đổi cơ chế điều hành giá xăng, giá điện như thế nào để bảo đảm minh bạch?

- Tinh thần chung là điều hành theo định hướng giá thị trường nhưng phải tính đến liều lượng và thời điểm để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Còn chuyện tăng giá thì phải bảo đảm trợ giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Tôi nhấn mạnh là việc tăng giá sẽ trên cơ sở kiểm soát để minh bạch hóa giá thành của điện, xăng.

- EVN đề nghị tăng giá điện theo 8 đợt, từ nay đến năm 2013, ông bình luận gì về việc này?

- Tôi chưa biết được đề nghị đó của EVN.

- Trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao như hiện nay, có nên tăng giá điện trong thời gian từ nay đến cuối năm?

- Tôi chưa thể chắc chắn điều này. Nhưng nếu tình hình khó khăn thì phải xem xét việc này một cách kỹ lưỡng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục