>> Đối thoại Shangri-La 2016: Thách thức đến từ suy giảm lòng tin
Ngày 4-6, trong khuôn khổ sự kiện Đối thoại Shangri-La 2016 diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh, không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khẳng định Tokyo sẽ hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Tăng cường hợp tác
Ông Nakatani cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực do thám, tiến hành tập trận chung và hợp tác phát triển thiết bị mới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản còn kêu gọi tất cả các nước có liên quan tới tranh chấp trên biển Đông đệ đơn kiến nghị lên Tòa Trọng tài Thường trực Liên hiệp quốc (PCA) ở The Hague, nơi sắp đưa ra phán quyết liên quan tới vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp. Theo ông Nakatani, các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, khẳng định các hành động như vậy đặt ra thách thức đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay.
Các hoạt động bồi đắp trái phép ở biển Đông của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ
Thời gian qua, Trung Quốc luôn ra yêu sách độc chiếm biển Đông và liên tục chỉ trích Mỹ và Nhật Bản, gọi 2 nước này là “người ngoài cuộc”, cáo buộc Tokyo và Washington can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á. Cả Nhật Bản và Mỹ đều khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp tại biển Đông, nhưng họ phải có tiếng nói trong vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực này. “Hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực, vì vậy không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”, ông Nakatani nhấn mạnh.
Tự cô lập mình
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tạo ra vạn lý trường thành tự cô lập mình khi tiếp tục các hoạt động quân sự hóa tại biển Đông vào đúng lúc toàn khu vực đang xích lại gần nhau.
Theo ông Carter, Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn (hay đường lưỡi bò) phi lý, bao trùm gần như toàn bộ biển Đông, khiến các nước láng giềng Đông Nam Á phản đối, đồng thời đối đầu với Mỹ vì yêu sách này gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại vô hại tại vùng biển quốc tế theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo ông Carter, chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác quân sự trên toàn khu vực và tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một mạng lưới an ninh có nguyên tắc. Ông Carter nhấn mạnh: “Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ”.
Liên quan đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, ông Carter hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết sắp tới của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở biển Đông để không làm phương hại tới tình hình an ninh khu vực.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)