Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho thanh tra viên

Đưa những vấn đề nóng của xã hội vào hội thi
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho thanh tra viên
LTS: UBND TPHCM đang tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn TPHCM theo Đề án 1-1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để phối hợp tham gia với Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg của TPHCM, từ đầu tháng 10-2015, Báo SGGP mở chuyên mục “Pháp luật về khiếu nại - tố cáo” đăng trên trang Nhịp cầu bạn đọc ra số thứ sáu hàng tuần, nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật về khiếu nại - tố cáo của cán bộ và nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Rất mong nhận được thông tin và bài vở cộng tác của bạn đọc gửi đến qua email bandoc@sggp.org.vn.

Trong các nội dung thực hiện Đề án 1-1133 tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC), TPHCM đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho người có thẩm quyền giải quyết KN-TC và các cán bộ làm công tác giải quyết KN-TC. Thanh tra TPHCM đã có cách làm hay, sinh động và thiết thực

Đưa những vấn đề nóng của xã hội vào hội thi

Mới đây, ngành thanh tra TPHCM đã tổ chức Hội thi Thanh tra viên giỏi năm 2015. 72 thí sinh tham gia hội thi là thanh tra viên của Thanh tra TP và các sở - ngành, quận - huyện đã vượt qua các cuộc thi vòng loại ở cơ sở. Để chọn được 72 thí sinh, các thanh tra viên toàn ngành thanh tra TPHCM đã trải qua một đợt học tập, ôn luyện kiến thức pháp luật suốt 5 tháng. Hội thi được tổ chức với nhiều hình thức sinh động, có các câu hỏi về kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ, cách ứng xử của thanh tra viên. Nội dung thi xoay quanh 5 luật liên quan chặt chẽ với việc KN-TC: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Tiếp công dân.

Để hoàn thành phần câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh phải nắm vững kiến thức pháp luật để áp dụng đúng trong các tình huống pháp lý, đưa ra cách hành xử đúng khi tiếp xúc với người dân, xử lý trực tiếp công việc. Không riêng các thí sinh - là những thanh tra viên giỏi - mà cả cổ động viên là người trong ngành cũng đổ mồ hôi trước những câu trắc nghiệm khó về tình huống pháp lý khi giải quyết KN-TC. Sau phần trắc nghiệm, thí sinh tiếp tục thể hiện trình độ, bản lĩnh bằng cách thuyết trình về một đề tài liên quan đến pháp luật mà xã hội đang quan tâm. 10 bản thuyết trình là những vấn đề gay cấn liên quan đến KN-TC mà dư luận xã hội đang quan tâm. Thí sinh Lê Thị Hoàng Anh (Thanh tra quận Bình Thạnh) khai cuộc với đề tài “Pháp luật về sự minh bạch tài sản, thu nhập tại Việt Nam - Một số bất cập và kiến nghị”; đi sâu phân tích, chỉ rõ độ vênh giữa quy định pháp luật và thực tế về việc kê khai tài sản, thu nhập. Các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh việc kê khai tài sản, thu nhập không thiếu, nhưng chưa kiểm soát được tính xác thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Một thực tế là việc kê khai của không ít cán bộ có chức quyền vẫn mang tính hình thức, đối phó.   

Các thanh tra viên thi tài trong phần trắc nghiệm tại Hội thi Thanh tra viên giỏi

Thiết thực nâng cao kiến thức pháp luật

Hội thi Thanh tra viên giỏi năm 2015 đã chọn được 3 thanh tra viên xuất sắc nhất: giải nhất - Dương Văn Tài (Phòng 1 Thanh tra TP), giải nhì - Võ Thị Hồng Châu (Thanh tra quận Thủ Đức), giải ba - Nguyễn Văn Thanh (Thanh tra huyện Cần Giờ). Thông qua hội thi, đã dấy lên trong toàn ngành Thanh tra TPHCM phong trào tập trung học tập, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho các thanh tra viên. Ông Nguyễn Kiến Quốc, Phó Chánh Thanh tra TPHCM, Trưởng Ban tổ chức hội thi, đánh giá: “Hội thi thanh tra viên giỏi không chỉ tạo điều kiện cho các cán bộ chủ chốt trong ngành thể hiện mình, mà góp phần đào tạo thanh tra viên giỏi nghiệp vụ, tạo ra sự chuyển biến về chất trong đội ngũ cán bộ ngành thanh tra TPHCM”.

Để sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi người phải biết, nắm vững kiến thức pháp luật. Khi người dân không nắm vững kiến thức pháp luật sẽ không thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có khi còn vi phạm pháp luật. Cán bộ không nắm vững pháp luật thì giải quyết, xử lý không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Vì thế, việc Thanh tra TPHCM chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra đã đáp ứng rất sát hợp yêu cầu của Đề án 1-1133. Song song với việc tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung chủ yếu của pháp luật về KN-TC, Hội thi Thanh tra viên giỏi là cách làm mới, có hiệu quả cao. Đây là một mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật sinh động, dấy lên được phong trào học tập, tìm hiểu pháp luật. Thiết nghĩ, các ngành, địa phương, đoàn thể cũng nên áp dụng cách làm này để đưa việc thực hiện Đề án 1-1133 đi vào chiều sâu. Việc phát trên sóng truyền hình các hội thi thế này cũng sẽ tạo hiệu ứng thu hút người dân tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật KN-TC.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục