Trong lúc khô hạn và xâm mặn đang “hành hạ” ngành nông nghiệp và người dân ở miền Trung, Đông Nam bộ, ĐBSCL… thì dọc theo sông Tiền, sông Hậu từ Vĩnh Long lên Đồng Tháp, An Giang, nhiều người vẫn “vô tư” sản xuất như không hề có hạn xảy ra.
Thời gian ngắn, lợi nhuận cao
Giữa trưa, nắng như đổ lửa, nhưng cánh đồng màu ở huyện Bình Tân vẫn nhộn nhịp lạ thường. Anh Phan Minh Châu, nông dân xã Tân Quới, đầu trần chân đất, cười hớn hở: “Lúc này nắng dữ thiệt, nhưng ra ruộng chẳng biết mệt là gì, bởi trúng mùa, trúng giá nên suốt ngày bám miết ngoài đồng”. Vụ này, anh Châu chỉ trồng 1 công bắp cải, nhờ ít sâu bệnh, cộng với chăm sóc tốt nên năng suất đạt trên 3 tấn. Nhìn ruộng bắp cải xanh mượt thương lái đặt cọc mua 6.000 đồng/kg. Với giá này, tổng thu 1 công bắp cải đạt mức 18 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 3 triệu đồng, lời trọn 15 triệu đồng.
Tại xã Tân Bình, ông Nguyễn Văn Mực cho biết, sau khi thu hoạch lúa đông-xuân sớm, ông không sạ vụ hè-thu mà chuyển sang trồng hành lá. Chỉ hơn 2 tháng chăm sóc, năng suất hành đạt bình quân 3 tấn/công. Với giá này, 2 công hành thu được 30 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư gần 8 triệu đồng, bỏ túi hơn 22 triệu đồng; lời tương đương 10 công lúa.
Chị Võ Ngọc Thơ, quyền Chủ tịch UBND xã Tân Bình, quả quyết: “Không khí sản xuất vụ màu hiện nay sôi động gấp mấy lần thu hoạch lúa đông-xuân. Tất cả 6 ấp đều trồng màu, diện tích tăng lên hơn 405 ha và sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Giá nhiều loại hoa màu ở mức cao đã kích thích bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nếu so với làm vườn, trồng lúa, nuôi cá… cây màu ở đây hơn hẳn và có tính ổn định rất cao”. Không chỉ Bình Tân mà ở các xã ven sông Hậu như Tân Hòa, Định Hòa, Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp), hàng loạt hộ “đua” nhau trồng màu.
Phát huy thế mạnh để làm giàu
Thạc sĩ Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân khẳng định, hoa màu là thế mạnh kinh tế được huyện rất quan tâm. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những hộ trồng màu chuyên nghiệp đời sống rất khá. Vì thế diện tích màu của huyện đã tăng lên 9.500 ha/năm, trong đó chú trọng sản xuất vào mùa khô và mùa lũ, bởi đây là thời điểm được giá cao.
Để chủ động sản xuất theo ý muốn, ngoài điều kiện tự nhiên của Bình Tân là nằm ven sông Hậu, nguồn nước ngọt dồi dào và không bị mặn ảnh hưởng. Những năm qua, ngành nông nghiệp đầu tư rất lớn làm đê bao, nạo vét thủy lợi. Vì vậy, nhiều địa phương khác hiện khốn đốn với hạn mặn hoành hành, nhưng Bình Tân vẫn “vô tư” sản xuất. Để đảm bảo thắng lợi, ngoài việc đầu tư thủy lợi, ổn định nguồn nước tưới trong mùa khô, đẩy mạnh chuyển giao giống mới, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho dân vấn đề cũng rất quan trọng là “đầu ra” cho hoa màu. Chính quyền địa phương cần khích khuyến tư nhân, doanh nghiệp… đầu tư bến bãi, xe tải, tàu thuyền… hình thành hệ thống thu mua hoa màu tận ruộng cho dân và hợp đồng cung ứng dài hạn cho các chợ nông sản đầu mối ở TPHCM và các tỉnh. Nhiều thương lái còn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ứng vốn trước cho dân sản xuất, sau đó thu mua lại sản phẩm, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Campuchia.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, vùng ven sông như Bình Tân (Vĩnh Long), Lai Vung (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang)… đất đai màu mỡ, nhiều phù sa là những nơi phát triển cây màu rất tốt. Ngoài hiệu quả kinh tế cao thì luân canh hoa màu sẽ góp phần cải tạo đất, cắt mầm dịch bệnh… Một lợi thế khác cần lưu ý là nhu cầu tiêu thụ rau củ sạch ngày càng cao, trong khi nguồn cung hiện rất thấp, đây là cơ hội để vùng chuyên canh màu ven sông Hậu, sông Tiền phát triển. |
Huỳnh Phước Lợi