“Bom” nổ trong giới tài phiệt trốn thuế

Báo chí Anh ngày 4-4 đưa tin sự kiện hàng triệu hồ sơ nội bộ từ “thiên đường trốn thuế” - quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands-BVI), lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Caribbean bị rò rỉ đang khiến nhiều nhà tài phiệt và chính khách khắp thế giới lao đao. Tài liệu mà các nhà báo điều tra sở hữu lên đến 260GB, gấp 160 lần dung lượng tài liệu Wikileaks phát ra năm 2010.
“Bom” nổ trong giới tài phiệt trốn thuế

Báo chí Anh ngày 4-4 đưa tin sự kiện hàng triệu hồ sơ nội bộ từ “thiên đường trốn thuế” - quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands-BVI), lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Caribbean bị rò rỉ đang khiến nhiều nhà tài phiệt và chính khách khắp thế giới lao đao. Tài liệu mà các nhà báo điều tra sở hữu lên đến 260GB, gấp 160 lần dung lượng tài liệu Wikileaks phát ra năm 2010.

  • Những nhân vật gai góc

“Lẽ ra tôi không nên mở tài khoản đó”, lời thừa nhận muộn màng của Phó Chủ tịch Hạ viện Mông Cổ Bayartsogt Sangajav với Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) giờ vô nghĩa. Những số liệu mà ICIJ có được là bằng chứng rõ ràng buộc Bayartsogt Sangajav phải từ chức. Tổng trị giá tài khoản ông sở hữu không khai báo ở các ngân hàng hải ngoại là 2,5 triệu USD, trong đó có 1 triệu USD ở Thụy Sĩ cùng tài khoản ở BVI. 5 triệu USD được cho là số tiền không rõ nguồn mà ông có được trong giai đoạn ông đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính Mông Cổ (2008-2012).

Vụ rò rỉ thông tin từ ICIJ khiến dư luận đặt câu hỏi về sự trung thực của nhiều nhà tài phiệt.

Vụ rò rỉ thông tin từ ICIJ khiến dư luận đặt câu hỏi về sự trung thực của nhiều nhà tài phiệt.

Điều tra của ICIJ cũng cho thấy, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và các thành viên trong gia đình sở hữu số cổ phần rất lớn ở 4 công ty hải ngoại khác nhau. Năm 2003, ông và phu nhân đã mở công ty riêng Rosamund International tại BVI. ICIJ từng nhiều lần gửi thư yêu cầu ông Ilham Aliyev giải thích cụ thể về hoạt động của mình và gia đình đối với các công ty ở hải ngoại nhưng đều bị phớt lờ.

Hai con gái của ông là Leyla và Arzu Aliyeva cũng có những công ty riêng ở BVI, ngoài ra còn có nhiều bất động sản giá trị ở Dubai. Những công ty do cô con gái rượu của Tổng thống Ilham Aliyev điều hành (do người khác đứng ra làm giám đốc) đã thắng được những gói thầu xây dựng chủ yếu ở thành phố Baku với tổng trị giá lên đến 4,5 tỷ USD. “Vòi bạch tuộc” của gia đình quyền lực nhất Azerbaijan còn lan đến Panama, CH Czech…

Danh sách khách hàng của BVI còn có nhà tài phiệt người Scotland Scot Young. Tháng 1 vừa qua, ông này bị tòa án London tuyên phạt 6 tháng tù vì tội giấu vợ cũ số tiền mình đang sở hữu nhằm bảo toàn số tiền trên trong vụ ly dị. Theo tiết lộ của người vợ cũ, Scot Young đã gửi đến 3 tỷ USD rải rác ở nhiều ngân hàng nước ngoài để tránh phải đóng thuế cao.

Luật sư Tony Merchant, chồng của nữ nghị sĩ Canada Pana Merchant, cũng bị ICIJ điều tra ra việc ông chuyển 1,1 triệu USD đến một ngân hàng ở đảo Cook (lãnh thổ thuộc New Zealand) trong khi Cơ quan thuế Canada đang làm việc với ông Merchant liên quan đến rắc rối về thuế. Tony Merchant là luật sư được người dân Canada rất kính trọng vì từng nhiều lần đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những hoạt động kinh doanh sai trái của các doanh nghiệp.

Hồ sơ bị rò rỉ của ICIJ cũng chỉ ra Maria Imelda Marcos Manotoc, con gái của của cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos, đã không khai báo mối liên hệ tài chính giữa bà với một số công ty ở các “thiên đường thuế” hải ngoại, trong đó có BVI. Ở Thái Lan thì có đến 600 cá nhân mà ICIJ có tài liệu chứng minh được họ có những công ty ở BVI cũng như những nơi khác. Trong danh sách này có nhiều chính khách quan trọng của Thái Lan, gồm cả cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ở Tây Ban Nha, nhà sưu tập tranh nổi tiếng Baroness Carmen Thyssen-Bornemisza thông qua các tài khoản ở BVI, đảo Cook, đảo Cayman để mua những bức tranh nổi tiếng và sau đó bán ra với giá gấp nhiều lần. Số tiền chênh lệch giữa mua và bán lại dĩ nhiên sẽ thoát khỏi nộp thuế vì đã được bảo mật an toàn tại những “thiên đường trốn thuế” trên.

Ông Bayartsogt Sangajav

Ông Bayartsogt Sangajav

  • Quả bom được tháo kíp

Thông tin bị rò rỉ có đề cập đến Jerome Cahuzac, cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp. Ngày 2-4, ông này đã thừa nhận mình có sở hữu tài khoản ở nước ngoài với số tiền gửi 1,3 triệu USD. Ban đầu nó được giấu ở Thụy Sĩ, sau đó chuyển đến Singapore. Ông Cahuzac từng là nhân vật chủ chốt trong nội các của Chính phủ Pháp và được giao trọng trách đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống gian lận thuế.

Cho đến trước khi nhận tội, ông Cahuzac vẫn là hình mẫu chính khách trong sạch. Danh sách trên còn nhắc đến Jean-Jacques Augier, người đồng thủ quỹ trong chiến dịch vận động tranh cử cho Tổng thống Hollande. Một lần nữa, Tổng thống Pháp François Hollande nhận một đòn giáng mạnh trong bối cảnh lòng tin của người dân dành cho chính phủ của ông ngày một sụt giảm.

Vụ việc đã được 86 phóng viên điều tra từ 46 quốc gia của ICIJ cùng tờ Guardian âm thầm điều tra, thu thập chứng cứ cho dự án điều tra trốn thuế mà ICIJ theo đuổi với quy mô toàn cầu. Không chỉ ở BVI, nhiều “thiên đường” khác cũng được nhắc đến trong hơn 2 triệu email và tài liệu bị lộ này.

Trong số 107 công ty hải ngoại được ICIJ điều tra thì chỉ có 4 công ty đăng ký với cơ quan thuế theo luật định. Những nhân vật có tên trong danh sách đen đến từ Mỹ, Canada, Pháp, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Mông Cổ…

Tài liệu đã được cung cấp cho nhiều cơ quan truyền thông uy tín để đồng loạt tạo hiệu ứng trước dư luận. Theo Guardian, đây là lần đầu tiên hàng ngàn nhân vật giấu mặt sẽ bị đưa ra ánh sáng. Chắc chắn đây sẽ là quả bom gây chấn động vì nhiều tên tuổi trong số ấy là các chính trị gia, tài phiệt từ trước tới nay vẫn được tiếng trong sạch.

Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính, số tài sản được giấu ở những thiên đường thuế hải ngoại trên toàn cầu ước tính 32.000 tỷ USD. BVI chỉ là điểm khởi đầu để các nhà điều tra mở rộng việc truy tìm thêm địa bàn giấu tiền của các đại gia ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục